Vì sao người đã tiêm phòng vẫn có thể mắc sởi?

Theo NBC News, dịch sởi đang bùng phát tại Mỹ, đặc biệt là ở Tây Texas, với hơn 800 ca mắc được ghi nhận từ đầu năm. Đáng chú ý, dù phần lớn bệnh nhân chưa tiêm vắc xin, khoảng 3% trường hợp là “nhiễm đột phá” – tức là người đã tiêm một phần hoặc đủ mũi vắc xin sởi, quai bị, rubella (MMR) vẫn mắc bệnh.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh vắc xin MMR là một trong những loại hiệu quả nhất hiện nay. Một liều vắc xin có hiệu quả phòng sởi 93%, hai liều nâng hiệu quả lên 97%. Tuy nhiên, trong một đợt bùng phát lớn, một số ít người đã tiêm đủ mũi vẫn có thể mắc bệnh.

Giáo sư Rodney Rohde từ Đại học bang Texas giải thích rằng, sau hai liều, 97 trên 100 người sẽ có miễn dịch mạnh, nhưng 3 người còn lại vẫn có thể dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với virus. Ông thừa nhận khả năng nhỏ là người đã tiêm đủ mũi vẫn mắc bệnh nặng, có thể do cơ thể không đáp ứng miễn dịch tốt.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy khi xảy ra nhiễm đột phá, vắc xin MMR vẫn giúp giảm nhẹ triệu chứng. Bệnh sởi ở người đã tiêm vắc xin thường nhẹ hơn, đôi khi được gọi là “sởi biến đổi”. Phát ban có thể ít lan rộng, mờ hơn hoặc không theo kiểu điển hình. Sốt cũng ít gặp hoặc nhẹ hơn nhiều so với sốt cao trên 40 độ C trong các ca sởi cổ điển.

Các triệu chứng phổ biến khác như ho, sổ mũi, viêm kết mạc (đỏ mắt) cũng thường ít nghiêm trọng hơn. Các ca nhiễm đột phá nhìn chung ít lây lan hơn, nhưng vẫn có khả năng truyền bệnh. Người mắc sởi có khả năng lây nhiễm từ 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau đó.

Đối với những người chỉ tiêm một liều vắc xin, dù vẫn có sự bảo vệ đáng kể, nhưng nguy cơ mắc bệnh nặng hơn và có biến chứng cao hơn so với người tiêm đủ hai liều.

Lý giải về hiện tượng nhiễm đột phá, các chuyên gia đưa ra nhiều nguyên nhân:

  • Thời điểm tiêm vắc xin: Hệ miễn dịch cần khoảng hai tuần để tạo đủ kháng thể sau khi tiêm. Nếu bị phơi nhiễm ngay trước hoặc sau khi tiêm, cơ thể có thể chưa được bảo vệ hoàn toàn.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Những người có hệ miễn dịch yếu bẩm sinh hoặc do các bệnh lý (như HIV, ung thư đang hóa trị) có thể không tạo được phản ứng miễn dịch hiệu quả với vắc xin.
  • Biến đổi di truyền trong đáp ứng miễn dịch: Mỗi người có cấu trúc gen khác nhau, ảnh hưởng đến cách hệ miễn dịch nhận diện và ghi nhớ các phần của virus. Một số người có thể không tạo được đáp ứng mạnh mẽ với nhiều “epitope” (các đoạn protein virus mà kháng thể nhận diện).
  • Miễn dịch suy giảm theo thời gian: Mặc dù virus sởi rất ổn định và vắc xin MMR được cho là bảo vệ gần như suốt đời, một số nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng kháng thể có thể giảm dần ở một số trẻ em sau hai thập kỷ. Điều này có thể dẫn đến một số ca nhiễm đột phá, đặc biệt khi có dịch lớn.
  • Vắc xin bị lỗi: Dù hiếm gặp ở Mỹ do kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, việc bảo quản vắc xin không đúng cách có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin sống giảm độc lực.

Trước đây, sởi từng được tuyên bố loại trừ ở Mỹ vào năm 2000. Tuy nhiên, với sự gia tăng của tâm lý ngần ngại tiêm chủng, Mỹ đang đối mặt với nguy cơ mất đi thành quả này. Các nhà khoa học cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn về các ca nhiễm đột phá hiếm gặp để đưa ra chiến lược phòng chống hiệu quả nhất.

Về việc tiêm nhắc lại vắc xin sởi, những người sinh từ năm 1957 đến 1968 được khuyến cáo tiêm ít nhất một liều MMR do vắc xin thế hệ đầu kém hiệu quả. Những người sinh từ 1968 đến 1989 có thể chỉ tiêm một liều, nên khả năng bảo vệ thấp hơn. Bác sĩ William Schaffner từ Đại học Vanderbilt khuyên những người này nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêm thêm một liều, đặc biệt nếu sống gần vùng dịch hoặc đi du lịch quốc tế đến nơi sởi lưu hành. Ông cho biết việc tiêm thêm một liều MMR không gây hại ngay cả khi bạn đã có miễn dịch.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU

Đức Giáo hoàng Francis


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú