Vì sao Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán vào thời điểm này?

Sau thời gian dài căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc cuối cùng cũng nối lại đối thoại về thương mại. Cuộc gặp cấp cao giữa các quan chức thương mại hàng đầu hai nước dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Thụy Sĩ.

Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên kể từ khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào tháng 1 vừa qua. Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả, châm ngòi cho cuộc chiến thuế quan leo thang, với mức thuế hiện tại lên tới 125%, thậm chí một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ còn chịu thuế tới 245%.

Trong nhiều tuần, hai bên liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn, thậm chí gay gắt, cố gắng thể hiện rằng đối phương mới là bên đang gặp khó khăn hơn. Vậy tại sao bây giờ họ lại ngồi vào bàn đàm phán?

Theo các chuyên gia, cả hai nước đều muốn tìm cách phá vỡ bế tắc nhưng không ai muốn tỏ ra nhượng bộ trước. Cuộc đàm phán diễn ra lúc này vì cả hai bên đều cảm thấy có thể tiến tới mà không bị coi là đã “xuống nước”. Dù vậy, phía Trung Quốc vẫn nhấn mạnh cuộc đàm phán được tổ chức theo yêu cầu của Mỹ, đáp lại lời kêu gọi từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Ngược lại, chính quyền Tổng Thống Trump tuyên bố các quan chức Trung Quốc “rất muốn làm ăn” vì “nền kinh tế của họ đang sụp đổ”. Tuy nhiên, Tổng Thống Trump sau đó đã xoa dịu, nói rằng “không quan trọng ai gọi trước hay không, chỉ quan trọng điều gì xảy ra trong căn phòng đó”.

Thời điểm này cũng là một bước đi chiến lược của Bắc Kinh. Cuộc gặp diễn ra khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Moscow, dự lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng Thế chiến thứ hai. Việc ông Tập đứng cùng các nhà lãnh đạo từ khắp các nước phương Nam toàn cầu là lời nhắc nhở cho chính quyền Tổng Thống Trump rằng Trung Quốc không chỉ có các lựa chọn thương mại khác mà còn đang tự định vị mình là một nhà lãnh đạo toàn cầu thay thế. Điều này giúp Bắc Kinh thể hiện sức mạnh ngay cả khi họ đang hướng tới bàn đàm phán.

Thực tế là cuộc chiến thuế quan đang gây tổn thương cho cả hai nền kinh tế. Dữ liệu cho thấy sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng, hoạt động chế tạo và dịch vụ đều sụt giảm. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang chật vật với thuế cao, hàng tồn kho chất đống và phải tìm kiếm thị trường ngoài Mỹ.

Về phía Mỹ, sự bất ổn do thuế quan gây ra đã khiến nền kinh tế co lại lần đầu tiên sau ba năm. Các ngành công nghiệp phụ thuộc vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đặc biệt lo lắng. Một chủ công ty đồ chơi ở Los Angeles chia sẻ với BBC rằng họ đang đối mặt với nguy cơ “sụp đổ toàn bộ chuỗi cung ứng”.

Tổng Thống Trump cũng thừa nhận người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm nhận được tác động, ví dụ như trẻ em có thể chỉ còn “hai con búp bê thay vì 30 con”, và giá có thể “đắt hơn vài đô la”. Tỷ lệ ủng hộ của Tổng Thống Trump cũng bị ảnh hưởng do lo ngại lạm phát và suy thoái kinh tế, với hơn 60% người Mỹ cho rằng ông đang quá tập trung vào thuế quan.

Cả hai nước đều đang chịu áp lực phải trấn an thị trường, doanh nghiệp và người dân trong nước đang ngày càng lo lắng. Một vài ngày họp ở Geneva sẽ phục vụ mục đích đó.

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Dù cuộc đàm phán mang lại tín hiệu tích cực, một thỏa thuận có thể sẽ mất khá nhiều thời gian. Các chuyên gia nhận định cuộc gặp này chủ yếu là để “chạm mặt”, trao đổi quan điểm và nếu thuận lợi, sẽ “đặt ra chương trình nghị sự cho các cuộc đàm phán trong tương lai”.

Toàn bộ quá trình đàm phán dự kiến sẽ kéo dài hàng tháng, tương tự như những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng Thống Trump. Sau gần hai năm áp thuế trả đũa, Mỹ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận “giai đoạn một” vào đầu năm 2020 để tạm dừng hoặc giảm một số loại thuế. Tuy nhiên, thỏa thuận đó không bao gồm các vấn đề gai góc hơn như trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho các ngành công nghiệp trọng điểm hay lộ trình xóa bỏ hoàn toàn các loại thuế còn lại.

Trên thực tế, nhiều loại thuế đó vẫn được giữ nguyên dưới thời Tổng thống Joe Biden, và các loại thuế mới nhất của Tổng Thống Trump còn bổ sung thêm vào những thuế cũ đó. Điều có thể xuất hiện lần này là một “thỏa thuận giai đoạn một nâng cấp”, tức là sẽ vượt ra ngoài thỏa thuận trước đó và cố gắng giải quyết các điểm nóng. Có rất nhiều vấn đề, từ buôn bán fentanyl bất hợp pháp mà Washington muốn Trung Quốc trấn áp mạnh tay hơn, đến mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tất cả những điều đó còn rất xa vời. Những mâu thuẫn mang tính hệ thống làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Mỹ-Trung sẽ không sớm được giải quyết. Cuộc gặp ở Geneva có lẽ chỉ đưa ra những tuyên bố chung chung về “đối thoại thẳng thắn” và mong muốn tiếp tục đàm phán, theo nguồn tin BBC News.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU