Cuộc săn lùng gắt gao đang diễn ra tại New Orleans đối với 10 tù nhân vượt ngục tuần trước (ngày 16/5/2025). Tính đến nay, đã có 5 người bị bắt lại.
Theo thông tin từ ABC News, các nhà chức trách cho biết việc sử dụng camera nhận diện khuôn mặt do một tổ chức tư nhân có tên Project N.O.L.A. vận hành đã giúp tìm thấy một trong những người trốn trại. Tuy nhiên, công nghệ này lại đang gây tranh cãi lớn, vấp phải sự giám sát chặt chẽ từ các tổ chức dân quyền cho đến các chính trị gia.
Giám đốc Sở Cảnh sát New Orleans, bà Anne Kirkpatrick, xác nhận đã sử dụng camera của Project N.O.L.A. trong cuộc truy lùng, dù trước đó bà đã ra lệnh tạm dừng các cảnh báo tự động mà cảnh sát nhận được từ nhóm này. Bà Kirkpatrick giải thích rằng bà muốn chắc chắn việc sử dụng ứng dụng này tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của pháp luật và chính sách.
Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) bày tỏ quan ngại sâu sắc. Họ tin rằng mối quan hệ hợp tác giữa Sở Cảnh sát New Orleans và Project N.O.L.A. có thể là nỗ lực quy mô lớn đầu tiên của một cơ quan thực thi pháp luật lớn tại Mỹ sử dụng công nghệ AI để xác định nghi phạm trên diện rộng khắp thành phố. ACLU cảnh báo việc sử dụng nhận diện khuôn mặt trực tiếp đặt ra các vấn đề về Hiến pháp và quyền riêng tư, coi đây là “sự leo thang triệt để và nguy hiểm đối với quyền giám sát con người trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta”.
Project N.O.L.A. cho biết họ vận hành khoảng 5.000 camera tại New Orleans, trong đó có 200 camera có khả năng nhận diện khuôn mặt. Các camera này có thể quét cả khuôn mặt, quần áo, phương tiện và biển số xe. Giám đốc điều hành Bryan Lagarde khẳng định hệ thống chỉ gắn cờ những người đang bị truy nã; khuôn mặt của người bình thường sẽ bị loại bỏ ngay lập tức.
Sau khi được thông báo về vụ vượt ngục, Project N.O.L.A. đã đưa danh sách tù nhân vào hệ thống. Ông Lagarde kể chỉ mất khoảng 4 phút để nhập dữ liệu và “chưa đầy một phút sau”, họ đã theo dõi được hai người trốn trại tại Khu Phố Pháp (French Quarter). Thông tin này được chuyển cho cảnh sát tiểu bang. Một người, Kendall Myles, đã bị bắt, trong khi người kia tẩu thoát kịp.
Các nhà phê bình, bao gồm cả một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội, cũng lên tiếng phản đối việc sử dụng công nghệ này một cách thiếu kiểm soát. Họ lo ngại về tính thiên vị chủng tộc (công nghệ này có tỷ lệ lỗi cao hơn đối với người da màu, người lớn tuổi và phụ nữ), tỷ lệ lỗi nói chung (có báo cáo lên tới 80-90% cảnh báo sai) và nguy cơ tạo ra một hệ thống “quét lưới” (dragnet system) giám sát mọi người dân.
Luật của thành phố New Orleans có quy định về việc sử dụng nhận diện khuôn mặt, cho phép các ngoại lệ trong điều tra các tội phạm nghiêm trọng như giết người, cướp có vũ trang… vốn là tội danh của một số tù nhân trốn trại. Tuy nhiên, bà Kirkpatrick thừa nhận đây là một chủ đề lớn hơn cần được các nhà lập pháp quyết định rõ ràng về ranh giới pháp lý và đạo đức.
Các chuyên gia cảnh báo công nghệ này có thể được dùng để theo dõi những người tham gia biểu tình, các sự kiện nhạy cảm khác, đe dọa quyền tự do và quyền riêng tư cơ bản. Theo nguồn tin ABC News, cuộc tranh cãi về việc sử dụng nhận diện khuôn mặt trong thực thi pháp luật và cả trong khu vực tư nhân tại Mỹ đang ngày càng gia tăng.