Theo bà K.T. McFarland, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng Thống Trump, chuyến thăm Trung Đông gần đây của Tổng Thống Trump là “vòng ăn mừng chiến thắng” xứng đáng cho những thành quả hòa bình mà ông đã khởi xướng trong khu vực này.
Bà McFarland nhớ lại, ngay những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng Thống Trump vào năm 2017, một trong những quyết định quan trọng đầu tiên là đánh cược vào thế hệ lãnh đạo trẻ hơn tại Saudi Arabia, đặc biệt là Mohammed bin Salman (MBS). Đây là một bước đi khác biệt so với việc tiếp tục làm việc với thế hệ lãnh đạo cũ, vốn gắn liền với các quan hệ truyền thống lâu đời.
Cố vấn Jared Kushner là người đã đưa ra lý lẽ mạnh mẽ để ủng hộ việc làm việc với thế hệ lãnh đạo mới này. Họ cam kết đưa Saudi Arabia theo một hướng khác – hiện đại hơn, cởi mở hơn, công nhận quyền phụ nữ, đa dạng hóa nền kinh tế thay vì chỉ dựa vào dầu mỏ, và quyết liệt chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Quan trọng hơn, họ cởi mở với ý tưởng về hòa bình với Israel như nền tảng cho sự ổn định rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Tổng Thống Trump đã đặt cược lớn vào quyết định này. Ông duy trì sự ủng hộ kiên định với Israel và rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông cho là có nhiều sai sót của chính quyền trước, tin rằng con đường dẫn đến hòa bình Trung Đông phải đi qua Riyadh và Israel, chứ không phải Tehran.
Theo Fox News ngày 16/05/2025, chuyến thăm gần đây của Tổng Thống Trump đến Saudi Arabia, Qatar và UAE đã chứng minh rằng cuộc “đánh cược” năm 2017 của ông đã thành công. Các quốc gia vùng Vịnh, dưới sự lãnh đạo của Saudi Arabia, đã đạt được những bước tiến phi thường trong 8 năm qua, dù có giai đoạn bị chính quyền kế nhiệm “lạnh nhạt”. Họ đóng vai trò thầm lặng nhưng quan trọng trong việc tiêu diệt ISIS và các phong trào Hồi giáo cực đoan khác. Họ cũng là yếu tố then chốt dẫn đến Hiệp định Abraham giữa Israel và các quốc gia như UAE, Bahrain, Sudan, và Morocco. Saudi Arabia dù chưa chính thức ký kết, nhưng đang tiến rất gần.
Một động thái đáng chú ý khác trong chuyến đi này là Tổng Thống Trump đã lắng nghe lời kêu gọi từ các nhà lãnh đạo Ả Rập vùng Vịnh và mở cửa đối thoại với các nhà lãnh đạo mới của Syria. Ông đã quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Syria, trao cho quốc gia này một “cơ hội để trở nên vĩ đại”. Nếu đúng như Tổng Thống Trump hy vọng, Syria sẽ không còn là nguồn gây bất ổn cho khu vực như trong nhiều thập kỷ qua.
Bà McFarland cũng nhấn mạnh, Tổng Thống Trump đã chấm dứt chính sách can thiệp quân sự mà cả hai đảng tại Mỹ đã theo đuổi trong 20 năm qua ở Trung Đông. Mỹ sẽ không còn theo đuổi “các cuộc chiến tranh vĩnh cửu” trong nỗ lực vô vọng để biến các quốc gia này theo khuôn mẫu Mỹ. Thay vào đó, chính sách của ông là “Hòa bình thông qua Sức mạnh”, không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự mà còn là sức mạnh tổng hợp.
Như Tổng Thống Trump đã nói tại Liên Hợp Quốc năm 2017: “Chúng tôi không mong đợi các quốc gia đa dạng chia sẻ cùng văn hóa, truyền thống, hay thậm chí là hệ thống chính phủ. Nhưng chúng tôi mong đợi tất cả các quốc gia tuân thủ hai nghĩa vụ cốt lõi này: tôn trọng lợi ích của người dân mình và quyền của mọi quốc gia có chủ quyền khác.”
Ông tin rằng Mỹ không tìm cách áp đặt lối sống của mình lên bất kỳ ai, mà để nó “tỏa sáng như một tấm gương cho mọi người quan sát”. Đây là cách tốt nhất để tôn vinh tinh thần độc lập của Mỹ 250 năm trước, bằng cách khuyến khích các “quốc gia có chủ quyền” để người dân của họ làm chủ tương lai và kiểm soát vận mệnh của chính mình.
K.T. McFarland là cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Tổng Thống Trump và là tác giả cuốn sách “Revolution: Trump, Washington and “We the People””.