Tổng Thống Nam Phi Cyril Ramaphosa mới đây đã gây xôn xao khi gọi 59 người Nam Phi da trắng gốc Afrikaner (hậu duệ chủ yếu của người Hà Lan) vừa di cư sang Mỹ là “những kẻ hèn nhát”. Ông cho rằng họ đang chạy trốn khỏi những vấn đề của đất nước thay vì đối mặt và giải quyết chúng.
Nhóm người này đã đến Mỹ hôm thứ Hai sau khi được Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump cấp quy chế tị nạn. Tổng Thống Hoa Kỳ Trump và một số đồng minh, trong đó có tỷ phú gốc Nam Phi Elon Musk, từng tuyên bố có nạn “diệt chủng” đối với nông dân da trắng ở Nam Phi – một cáo buộc bị nhiều nguồn tin bác bỏ rộng rãi. Mỹ cũng cáo buộc chính phủ Nam Phi tịch thu đất đai của nông dân da trắng mà không bồi thường.
Phản bác lại, Tổng Thống Ramaphosa nói rằng những người muốn rời đi không hài lòng với nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng sâu sắc từ thời kỳ apartheid kéo dài hàng thập kỷ. Ông gọi sự ra đi của họ là một “khoảnh khắc buồn” nhưng cũng là “hành động hèn nhát thực sự”. “Là người Nam Phi, chúng ta kiên cường. Chúng ta không chạy trốn vấn đề của mình. Chúng ta phải ở lại đây và giải quyết vấn đề của mình. Khi bạn chạy trốn, bạn là kẻ hèn nhát,” ông nhấn mạnh.
Ông Ramaphosa bày tỏ tin tưởng rằng nhóm người này sẽ “sớm quay trở lại” vì “không có đất nước nào như Nam Phi”.
Tại sân bay ở Mỹ, các quan chức cấp cao của Mỹ đã chào đón nồng nhiệt nhóm người tị nạn này, tuyên bố họ đã “sống dưới bóng bạo lực và khủng bố” ở Nam Phi. Điều này trái ngược với quan điểm của Tổng Thống Ramaphosa, người khẳng định trong một cuộc điện thoại với Tổng Thống Hoa Kỳ Trump rằng đánh giá của Mỹ về tình hình là “không đúng sự thật”. Ông nói thêm rằng Nam Phi là quốc gia duy nhất ở châu lục này mà những người đi khai phá đến và ở lại, chứ không bị trục xuất, bác bỏ cáo buộc người gốc Afrikaner bị đàn áp.
Được biết, sau hơn 30 năm kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc (do thiểu số da trắng cai trị), đa số đất nông nghiệp tốt nhất của Nam Phi vẫn nằm trong tay người da trắng. Tình trạng này gây bức xúc và chậm chạp trong việc thay đổi. Hồi tháng 1, Tổng Thống Ramaphosa đã ký một đạo luật cho phép chính phủ tịch thu đất tư nhân mà không bồi thường trong một số trường hợp nhất định, khi được xem là “công bằng và vì lợi ích công cộng”. Tuy nhiên, chính phủ cho biết chưa có đất nào bị tịch thu theo luật này.
Tổng Thống Hoa Kỳ Trump từng dọa tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Nam Phi nếu “tình hình được giải quyết”.
Theo tin từ BBC News, Đại sứ quán Mỹ tại Nam Phi đưa ra tiêu chí để xem xét quy chế tị nạn cho người Nam Phi bao gồm: là công dân Nam Phi, thuộc nhóm thiểu số Afrikaner hoặc chủng tộc khác, và có khả năng chứng minh đã bị đàn áp trong quá khứ hoặc lo sợ bị đàn áp trong tương lai.
Quan điểm trái ngược giữa hai bên cho thấy sự phức tạp của vấn đề sắc tộc, sở hữu đất đai và chính sách nhập cư, tị nạn trong bối cảnh quan hệ quốc tế.