Tổng Chưởng Lý (AG) Texas Ken Paxton vừa công bố đạt được thỏa thuận sơ bộ với Google, theo đó gã khổng lồ công nghệ sẽ trả cho Texas 1.4 tỷ đô la để dàn xếp vụ kiện liên quan đến việc theo dõi dữ liệu người dùng.
Ông Paxton gọi đây là “chiến thắng lịch sử” cho quyền bảo mật và an ninh dữ liệu của người dân Texas. Tiểu bang này đã kiện Google vào năm 2022, cáo buộc công ty đã theo dõi và thu thập thông tin cá nhân của người dùng một cách bất hợp pháp, bao gồm dữ liệu vị trí địa lý, các tìm kiếm ở chế độ ẩn danh (incognito mode) và cả thông tin sinh trắc học.
Theo tin từ ABC13/The Texas Tribune, ông Paxton nhấn mạnh đây là khoản dàn xếp lớn nhất mà bất kỳ tiểu bang nào từng đạt được với Google về các vi phạm quyền riêng tư tương tự. Ông nói: “Tại Texas, các công ty Công nghệ lớn không đứng trên luật pháp. Trong nhiều năm, Google đã bí mật theo dõi sự di chuyển, các tìm kiếm riêng tư, thậm chí cả dấu vân giọng nói và hình dạng khuôn mặt của mọi người thông qua các sản phẩm và dịch vụ của họ. Tôi đã đấu tranh và giành chiến thắng.”
Tuy nhiên, thông báo của ông Paxton không nói rõ liệu thỏa thuận này có yêu cầu Google phải thay đổi các chính sách hoặc hoạt động kinh doanh hiện tại hay không. Về phía mình, Google cho biết khoản dàn xếp này giải quyết một “loạt các khiếu mại cũ” liên quan đến các chính sách mà công ty đã “thay đổi từ lâu”. Google cũng khẳng định thỏa thuận này không buộc họ phải thừa nhận sai phạm hay trách nhiệm pháp lý, và không yêu cầu thay đổi bất kỳ sản phẩm hay quy trình thông báo nào cho người tiêu dùng.
Đây là lần thứ hai trong hai năm gần đây Texas đạt được khoản dàn xếp lớn với một công ty công nghệ hàng đầu. Năm ngoái, tiểu bang này cũng đã nhận được 1.4 tỷ đô la từ Meta (công ty mẹ của Facebook) trong vụ kiện liên quan đến việc thu thập dữ liệu nhận dạng khuôn mặt.
Thông tin thêm cho thấy, văn phòng Tổng Chưởng Lý Texas đã thuê các công ty luật bên ngoài để xử lý vụ kiện này. Các công ty luật này sẽ nhận được một phần trăm đáng kể từ khoản tiền dàn xếp, tùy thuộc vào hợp đồng đã ký, có thể lên tới hàng trăm triệu đô la.
Vụ việc này tiếp tục cho thấy nỗ lực của các tiểu bang trong việc buộc các tập đoàn công nghệ phải chịu trách nhiệm về cách họ xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng, một vấn đề ngày càng nóng trong kỷ nguyên số.