Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vừa ra phán quyết yêu cầu cơ quan lập pháp tiểu bang Maine phải hủy bỏ hình thức kỷ luật (censure) đối với Dân biểu Cộng hòa Laurel Libby. Phán quyết được đưa ra vào ngày Thứ Ba, với tỷ lệ phiếu 7-2.
Dân biểu Libby bị kỷ luật từ ngày 15 tháng 2 sau khi đăng tải một bài viết trên mạng xã hội, trong đó nêu danh tính một vận động viên trung học chuyển giới ở Maine đã giành chiến thắng trong cuộc thi nhảy sào nữ. Bài đăng này đã gây ra nhiều tranh cãi.
Trong quyết định của mình, Tối Cao Pháp Viện khẳng định quyền của Dân biểu Libby được xóa bỏ hình thức kỷ luật là “rõ ràng không thể tranh cãi”.
Ăn mừng phán quyết, Dân biểu Libby đăng trên X (trước đây là Twitter): “Đây là một chiến thắng không chỉ cho cử tri của tôi, mà còn cho chính Hiến pháp. Tối Cao Pháp Viện đã khẳng định điều lẽ ra không bao giờ bị nghi ngờ – rằng không có cơ quan lập pháp tiểu bang nào có quyền bịt miệng một quan chức dân cử chỉ vì nói thật về những vấn đề quan trọng.”
Hai Thẩm phán Sonia Sotomayor và Ketanji Brown Jackson đã phản đối quyết định này. Thẩm phán Jackson bày tỏ lo ngại về việc Tòa án chấp nhận quá nhiều các yêu cầu khẩn cấp theo hình thức ‘shadow docket’ (lịch án xử lý nhanh và ít minh bạch).
Dân biểu Libby từ lâu đã lập luận rằng bài đăng của bà không phải là người đầu tiên công khai danh tính vận động viên này, vì thông tin đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khác. Bà cũng cho biết chưa từng có ai từ trường học hoặc gia đình vận động viên liên hệ với bà về bài viết. Người đầu tiên phản đối bài đăng là Chủ tịch Hạ viện Maine, Ryan Fecteau, người mà bà hiện đang kiện.
Sau khi hình thức kỷ luật được thông qua, ông Fecteau nói rằng sẽ hủy bỏ nếu Dân biểu Libby xin lỗi, nhưng bà từ chối. Thay vào đó, bà đệ đơn kiện để bác bỏ kỷ luật. Sau khi thua kiện ở các tòa cấp dưới, bà đã đưa vụ việc lên Tối Cao Pháp Viện vào tháng Tư vừa qua.
Văn phòng Tổng chưởng lý Maine, đại diện cho ông Fecteau và Thư ký Hạ viện Robert Hunt, bảo vệ việc kỷ luật Dân biểu Libby, cho rằng việc này chỉ yêu cầu bà xin lỗi vì vi phạm nội quy, chứ không phải thay đổi quan điểm của mình. Họ lập luận rằng bà đã đồng ý tuân thủ các quy tắc của Hạ viện, bao gồm quy tắc 401(11), quy định một thành viên bị phát hiện vi phạm quy tắc sẽ không được tham gia tranh luận hoặc bỏ phiếu trừ khi “thỏa mãn” (tức là xin lỗi).
Dân biểu Libby đã nhận được sự ủng hộ từ Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ và cựu Tổng chưởng lý Pam Bondi, người đã đệ trình bản tóm tắt hỗ trợ vụ kiện của bà.
(Theo Fox News)