Tinh tinh sử dụng ngôn ngữ giao tiếp với nhau như thế nào?

Một nghiên cứu mới đây đã mang đến cái nhìn thú vị về cách loài tinh tinh hoang dã giao tiếp. Theo đó, chúng có một hệ thống liên lạc phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, sử dụng các cách kết hợp âm thanh để tạo ra ý nghĩa mới.

Công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances này chỉ ra rằng, tinh tinh có thể kết hợp tiếng hú, tiếng càu nhàu và các loại âm thanh khác theo cách tương tự như con người dùng thành ngữ hay thay đổi thứ tự từ để tạo ra các cụm từ mới. Điều này gợi nhớ đến những yếu tố nền tảng trong ngôn ngữ của chúng ta.

Các nhà khoa học đã phân tích hơn 4.300 âm thanh từ 53 con tinh tinh hoang dã ở Bờ Biển Ngà. Họ theo dõi hành vi, tương tác xã hội và môi trường xung quanh khi tinh tinh phát ra âm thanh, từ đó phân tích các kết hợp âm thanh hai tiếng cụ thể (ví dụ: tiếng càu nhàu theo sau là tiếng sủa).

Kết quả cho thấy, tinh tinh kết hợp âm thanh trong mọi hoạt động hàng ngày và các kết hợp này có thể diễn đạt nhiều ý nghĩa khác nhau. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học ghi nhận sự phức tạp như vậy trong hệ thống giao tiếp của một loài không phải con người.

Nghiên cứu này, cùng với một nghiên cứu khác gần đây về khả năng tương tự ở loài vượn Bonobo, cho thấy cả hai loài linh trưởng này đều đã tiến hóa để phát triển những “viên gạch” cơ bản của ngôn ngữ con người. Điều này củng cố giả thuyết rằng khả năng kết hợp âm thanh phức tạp có thể đã tồn tại ở tổ tiên chung của con người, tinh tinh và Bonobo cách đây khoảng 6-7 triệu năm, giúp chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc của ngôn ngữ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc sống trong các nhóm xã hội ngày càng lớn và phức tạp có thể là động lực thúc đẩy sự tiến hóa của giao tiếp phức tạp hơn ở các loài vượn lớn và con người. Trong thế giới xã hội phức tạp đó, khả năng cung cấp thông tin chính xác và tinh tế thông qua âm thanh trở nên cần thiết để quản lý các tương tác, theo NBC News.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú