Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio mới đây đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng, cho rằng Syria có thể chỉ còn cách nguy cơ sụp đổ và rơi vào “nội chiến toàn diện với quy mô lớn” trong vòng vài tuần tới.
Tại một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Rubio đã lên tiếng bảo vệ quyết định của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tuần trước, khi ông dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria trước cuộc gặp với Tổng thống mới Ahmed al-Sharaa. Ông al-Sharaa là cựu chỉ huy của nhóm nổi dậy từng liên kết với al-Qaeda, người đã lãnh đạo cuộc tấn công lật đổ chế độ Bashar al-Assad vào tháng 12 năm ngoái.
Theo giải thích của ông Rubio, lý do Tổng Thống Trump đưa ra quyết định này là vì các quốc gia khác mong muốn giúp đỡ chính quyền chuyển tiếp của ông Sharaa và gửi viện trợ, nhưng lại e ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Syria được áp đặt nhằm đáp trả các hành động tàn bạo của lực lượng trung thành với ông Assad trong cuộc nội chiến kéo dài 13 năm qua. Cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của hơn 600.000 người và khiến 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Trước đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từng nhấn mạnh cần đáp ứng nhiều điều kiện trước khi dỡ bỏ trừng phạt, bao gồm bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc.
Dù ông Sharaa đã cam kết sẽ thực hiện điều này, Syria vẫn rung chuyển bởi hai làn sóng bạo lực giáo phái đẫm máu trong những tháng gần đây. Đầu tháng 5, hơn 100 người được báo cáo đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa các tay súng thuộc cộng đồng thiểu số Druze với lực lượng an ninh mới và các chiến binh Sunni Hồi giáo đồng minh.
Ngay cả trước làn sóng bạo lực này, nhiều thành viên của các cộng đồng thiểu số đã bày tỏ lo ngại về chính quyền chuyển tiếp mới, vốn bị chi phối bởi nhóm Hồi giáo Sunni của ông Sharaa, Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Đây là một nhóm từng liên kết với al-Qaeda và vẫn bị Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ, EU và Anh liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.
Ông Sharaa cá nhân vẫn nằm trong danh sách “khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt” của Hoa Kỳ, mặc dù chính quyền đã thông báo hủy bỏ khoản tiền thưởng 10 triệu USD cho việc bắt giữ ông vào tháng 12.
Bất chấp quá khứ của ông Sharaa, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫn gặp ông trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo vùng Vịnh tại Ả Rập Saudi tuần trước. Sau cuộc gặp, Tổng Thống Trump nhận xét ông Sharaa là một người “trẻ tuổi, cuốn hút”, một “người cứng rắn”, “quá khứ mạnh mẽ”, “chiến binh” và có “cơ hội thực sự để hàn gắn đất nước Syria đã tan nát”.
Về phần mình, ông Sharaa ca ngợi quyết định của Tổng Thống Trump dỡ bỏ trừng phạt là “quyết định lịch sử và dũng cảm, giúp giảm bớt đau khổ cho người dân, góp phần tái thiết đất nước và đặt nền móng cho sự ổn định trong khu vực”.
Phát biểu tại phiên điều trần Thượng viện vào thứ Ba vừa qua, Thượng nghị sĩ Rubio đã nói đùa rằng “tin xấu là các nhân vật trong chính quyền chuyển tiếp… đã không vượt qua được bài kiểm tra lý lịch với FBI”. Tuy nhiên, ông nói thêm, “mặt khác là, nếu chúng ta hợp tác với họ, nó có thể thành công, có thể không. Nếu chúng ta không hợp tác với họ, chắc chắn sẽ không thành công”.
“Thực tế, đánh giá của chúng tôi là chính quyền chuyển tiếp, trước những thách thức đang đối mặt, có thể chỉ còn vài tuần, không phải vài tháng, nữa là sụp đổ tiềm tàng và một cuộc nội chiến toàn diện với quy mô lớn, về cơ bản là đất nước bị chia cắt”, ông Rubio nhận định.
Ông không nói rõ thêm chi tiết nhưng cho biết các nhóm thiểu số ở Syria “đang phải đối mặt với sự mất lòng tin sâu sắc… bởi vì ông Assad đã cố tình gây chia rẽ giữa các nhóm này”.
Cũng theo tin tức từ BBC News, cùng thời điểm ông Rubio phát biểu, các bộ trưởng ngoại giao Liên minh Châu Âu (EU) cũng đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria. Đại diện chính sách đối ngoại của EU, Kaja Kallas, cho biết EU muốn giúp đỡ người dân Syria xây dựng lại một đất nước mới, hòa nhập và hòa bình.
Bộ Ngoại giao Syria hoan nghênh quyết định này, coi đây là “sự khởi đầu của một chương mới trong quan hệ Syria-Châu Âu dựa trên sự thịnh vượng chung và tôn trọng lẫn nhau”.