Đức Giáo Hoàng Leo XIV sẽ chính thức nhậm chức trong Thánh Lễ trang trọng tại Quảng Trường và Đền Thờ Thánh Phêrô ở Vatican vào sáng Chủ Nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2025. Đây là nghi thức đầy tính biểu tượng, nối kết vị Giáo Hoàng mới với Thánh Phêrô, Tông đồ của Chúa Jesus, và sứ mạng đặc biệt của ngài với tư cách là thủ lĩnh của Giáo hội Công giáo toàn cầu.
Thánh Lễ không trao cho Giáo Hoàng một vai trò mới – ngài đã là người đứng đầu Vatican và Giáo hội với 1,4 tỷ tín hữu. Tuy nhiên, trong nghi lễ này, Đức Giáo Hoàng Leo sẽ nhận hai dấu hiệu quan trọng của chức vụ giáo hoàng: “pallium” (dây choàng vai) và nhẫn Ngư Phủ. Những biểu tượng này đánh dấu vai trò của ngài là người kế vị Thánh Phêrô.
Pallium là một dây choàng hẹp đặt trên vai, trang trí các thánh giá tượng trưng cho các vết thương của Chúa Jesus. Nó làm từ len trắng và mang ý nghĩa người mục tử nhân lành vác chiên trên vai. Nhẫn Ngư Phủ gợi nhớ câu chuyện Chúa Jesus hiện ra sau khi sống lại và sai Thánh Phêrô thả lưới, biểu trưng cho sứ mạng truyền giáo của Giáo hội và sự hiệp nhất. Hình ảnh Thánh Phêrô với chiếc lưới được khắc trên nhẫn cùng tên của Giáo Hoàng.
Trước khi Thánh Lễ bắt đầu, cả pallium và nhẫn Ngư Phủ được lấy từ nhà nguyện lăng mộ Thánh Phêrô bên dưới Đền Thờ, nơi Giáo Hoàng cầu nguyện cùng các Thượng Phụ Giáo hội Công giáo Đông phương.
Thánh Lễ cũng bao gồm các phần quen thuộc như bất kỳ Thánh Lễ Chúa Nhật nào khác, nhưng có những điểm đặc biệt. Đoạn Tin Mừng tập trung vào việc Chúa Jesus trao trách nhiệm chăn dắt Giáo hội cho Thánh Phêrô. Đoạn này sẽ được đọc bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, hai ngôn ngữ chính của Giáo hội sơ khai, biểu thị tính phổ quát của Giáo hội. Bên cạnh bàn thờ ngoài trời sẽ có ảnh Đức Mẹ Ban Ơn Lành, một biểu tượng từ nơi dòng tu của Đức Giáo Hoàng Leo từng phục vụ.
Sau khi nhận các biểu tượng, một phái đoàn đại diện cho các thành phần trong Giáo hội, từ Hồng y đến giáo dân (gồm cả một cặp vợ chồng), sẽ bày tỏ lòng vâng phục Đức Giáo Hoàng mới. Sau Thánh Lễ, Đức Giáo Hoàng sẽ tiếp đón các phái đoàn chính phủ, hoàng gia và tôn giáo.
Đáng chú ý, theo lịch trình, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ JD Vance và Ngoại Trưởng Marco Rubio, cả hai đều là người Công giáo, sẽ tham dự Thánh Lễ. Sự hiện diện của họ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hiện tại và Tòa Thánh có lúc căng thẳng.
Hơn 20 nguyên thủ quốc gia dự kiến có mặt, bao gồm Tổng thống và Thủ tướng Ý, Tổng thống Peru (nơi Đức Giáo Hoàng Leo mang quốc tịch và từng làm thừa sai), Tổng thống Israel và Ukraine (hai quốc gia trong vùng chiến sự mà Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến). Vua và Hoàng hậu Tây Ban Nha, cùng một số hoàng gia châu Âu và các tiểu vương quốc vùng Vịnh cũng sẽ tham dự, theo Associated Press.