Một diễn biến mới đáng chú ý trong vụ việc nữ sinh viên Đại học Tufts bị cơ quan di trú giam giữ: Một thẩm phán liên bang tại Vermont đã quyết định không chờ đợi việc chuyển nữ sinh này từ trung tâm giam giữ ở Louisiana về để tiến hành phiên điều trần bảo lãnh.
Phiên điều trần dự kiến diễn ra vào thứ Sáu (giờ địa phương), sau hơn sáu tuần kể từ khi Rumeysa Ozturk, 30 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ, bị bắt khi đang đi bộ trên phố ở ngoại ô Boston vào ngày 25 tháng 3 năm 2025.
Rumeysa Ozturk, đang học tiến sĩ tại Tufts, dự kiến sẽ tham gia phiên điều trần từ xa. Các luật sư của cô kịch liệt phản đối việc giam giữ này, cho rằng nó vi phạm các quyền hiến định của cô, bao gồm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử công bằng, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cô.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng tòa án di trú ở Louisiana, nơi đang tiến hành thủ tục trục xuất riêng đối với Ozturk, mới là nơi có thẩm quyền giải quyết vụ việc của cô.
Trước đó, Thẩm phán Tòa án Quận Hoa Kỳ William Sessions đã ra lệnh chuyển Ozturk về Vermont, nơi cô bị giam giữ lần cuối trước khi bị đưa đến Louisiana. Chính phủ đã yêu cầu trì hoãn việc chuyển giao này, nhưng tòa phúc thẩm liên bang đã giữ nguyên phán quyết của thẩm phán Sessions vào thứ Tư, yêu cầu chuyển Ozturk về dưới sự quản lý của ICE tại Vermont không muộn hơn ngày 14 tháng 5.
Tuy nhiên, theo nguồn tin ABC News cho biết, Thẩm phán Sessions đã quyết định không chờ đợi việc chuyển giao này mà tiến hành phiên điều trần bảo lãnh ngay lập tức.
Các quan chức di trú đã vây bắt Ozturk tại Massachusetts vào ngày 25 tháng 3 và đưa cô đi qua New Hampshire, Vermont trước khi đưa lên máy bay đến một trung tâm giam giữ ở Basile, Louisiana. Các luật sư của cô cho biết visa sinh viên của cô đã bị thu hồi vài ngày trước đó, nhưng cô không hề được thông báo về điều này.
Lý do được đưa ra cho việc thu hồi visa và giam giữ cô liên quan đến một bài xã luận mà Ozturk là đồng tác giả trên tờ báo của trường, The Tufts Daily, vào năm ngoái. Bài viết này chỉ trích cách trường Đại học Tufts ứng phó với các nhà hoạt động sinh viên yêu cầu trường “công nhận nạn diệt chủng Palestine”, công khai các khoản đầu tư và thoái vốn khỏi các công ty có liên hệ với Israel.
Một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao cho biết visa của Ozturk bị thu hồi sau khi đánh giá rằng hành động của cô “có thể làm suy yếu chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách tạo ra môi trường thù địch cho sinh viên Do Thái và cho thấy sự ủng hộ một tổ chức khủng bố được chỉ định”, bao gồm việc đồng tác giả bài xã luận “tìm thấy điểm chung với một tổ chức sau đó bị cấm tạm thời khỏi khuôn viên trường”.
Vào tháng 3, người phát ngôn Bộ An ninh Nội địa (DHS) cũng tuyên bố, mà không cung cấp bằng chứng, rằng các cuộc điều tra cho thấy Ozturk đã tham gia các hoạt động ủng hộ Hamas, một nhóm bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố.
Vụ việc này tiếp tục làm dấy lên những tranh cãi về quyền tự do ngôn luận của sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề Israel-Palestine đang diễn ra tại nhiều trường đại học Mỹ, cũng như quy trình và tính minh bạch trong các hoạt động thực thi luật di trú.