Nhiều biện pháp cải cách luật bảo lãnh tại Texas đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại cơ quan lập pháp bang và dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước cử tri vào tháng 11 tới.
Gói cải cách, do Thượng nghị sĩ Joan Huffman của Houston đứng đầu, chủ yếu nhằm mục đích siết chặt quy định bảo lãnh đối với những người bị cáo buộc phạm tội “nghiêm trọng” trong khi chờ xét xử. Một dự luật gây tranh cãi trong gói này là việc giữ những người nhập cư không giấy tờ bị buộc tội với các tội danh nghiêm trọng (như giết người, bắt cóc, tấn công tình dục) trong tù mà không được bảo lãnh.
Hiện tại, Texas áp dụng hệ thống bảo lãnh bằng tiền mặt. Hầu hết mọi người đều có quyền được tại ngoại bằng tiền bảo lãnh, trừ khi bị cáo buộc giết người cấp độ một hoặc một số tội tái phạm. Tuy nhiên, những người không có khả năng trả tiền bảo lãnh thường phải ngồi tù, đôi khi là nhiều năm, ngay cả khi chưa bị kết tội. Số tiền bảo lãnh do thẩm phán quyết định, có thể dựa trên tiền án tiền sự hoặc mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Gói cải cách của Thượng nghị sĩ Huffman, bao gồm Dự luật Thượng viện 9 (SB 9) và Nghị quyết chung Thượng viện 1 (SJR 1), 5 (SJR 5), sẽ mở rộng quyền của thẩm phán và công tố viên trong việc từ chối bảo lãnh. SJR 5 cho phép công tố viên chứng minh bị cáo có nguy cơ bỏ trốn hoặc gây nguy hiểm cho xã hội để giữ họ lại. Đặc biệt, SJR 1, còn gọi là “Luật Jocelyn”, là một sửa đổi hiến pháp nhằm tự động từ chối bảo lãnh đối với người nhập cư không giấy tờ bị cáo buộc trọng tội. Dự luật này xuất hiện sau vụ án mạng cô bé Jocelyn Nungaray ở Houston, một vụ việc mà Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã sử dụng để vận động chống lại “tội phạm di dân”.
Gói dự luật này đã được Thượng viện thông qua và phần lớn cũng vượt qua Hạ viện, dù SJR 1 gặp nhiều phản đối và có thể cần chỉnh sửa để được thông qua lần nữa tại Hạ viện. Các sửa đổi hiến pháp SJR 1 và SJR 5 cần sự chấp thuận của cử tri để có hiệu lực.
Những người ủng hộ cải cách, bao gồm Thống đốc Greg Abbott, cho rằng điều này là cần thiết để bảo vệ công chúng và ngăn chặn những người tái phạm tội khi đang tại ngoại. Theo tin từ Houston Press, Thượng nghị sĩ Huffman dẫn chứng rằng trong 4 năm qua, 162 vụ giết người ở Harris County (khu vực Houston) do các bị cáo đang tại ngoại thực hiện.
Ngược lại, các nhóm dân quyền và một số nhà lập pháp Dân chủ phản đối các đề xuất này, cho rằng chúng phân biệt đối xử với người nghèo và người nhập cư, có thể dẫn đến tình trạng quá tải nhà tù, bỏ qua các vấn đề sức khỏe tâm thần và nghiện ngập. Họ cũng lo ngại rằng việc tự động từ chối bảo lãnh dựa trên tình trạng nhập cư là vi hiến và làm xói mòn nguyên tắc suy đoán vô tội.
Công tố viên Harris County, Sean Teare, bày tỏ quan điểm ủng hộ việc cứng rắn với tội phạm bạo lực nghiêm trọng nhưng cũng cần “thông minh hơn” với các tội nhẹ hơn. Ông ủng hộ SJR 5 nhưng có quan điểm khác về một số khía cạnh khác của cải cách.
Một dự luật khác, SB 40 (không chính thức nằm trong gói nhưng liên quan), cũng do Thượng nghị sĩ Huffman bảo trợ, cấm các thành phố và quận sử dụng quỹ công để giúp các tổ chức phi lợi nhuận đóng tiền bảo lãnh. Dự luật này bị chỉ trích là cản trở các quỹ cộng đồng giúp người thu nhập thấp ra tù khi chờ xét xử các tội nhẹ, không bạo lực, nhưng cuối cùng đã được Hạ viện thông qua với sự ủng hộ lưỡng đảng.
Dù còn nhiều tranh cãi và cần sự đồng thuận của cử tri cho các sửa đổi hiến pháp, việc đưa các biện pháp cải cách bảo lãnh tiến gần đến đích là một chiến thắng đối với Thống đốc Abbott, người đã nỗ lực cập nhật luật bảo lãnh trong ba kỳ họp lập pháp vừa qua.
(Theo Houston Press)