Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ diễn ra vào tuần tới tại Malaysia, tập trung thảo luận các vấn đề trọng tâm bao gồm cuộc nội chiến tại Myanmar, những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và việc Mỹ tăng thuế quan. Đây là thông tin được Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đưa ra mới đây.
Malaysia hiện đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của khối ASEAN gồm 10 thành viên. Theo lịch trình, sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào thứ Hai, sẽ có cuộc họp thượng đỉnh chung với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và các nhà lãnh đạo từ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vào thứ Ba. Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết, các nước GCC vốn có quan hệ chặt chẽ với Mỹ nhưng cũng muốn tăng cường gần gũi hơn với Trung Quốc, nhằm thúc đẩy đầu tư thương mại và hợp tác hiệu quả hơn.
Các quốc gia ASEAN đang phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu mà Mỹ áp dụng, dao động từ 10% đến 49%. Tổng Thống Hoa Kỳ hiện tại Donald Trump hồi tháng trước đã tuyên bố tạm dừng việc áp thuế này trong 90 ngày, tạo cơ hội để các nước như Malaysia và Singapore nhanh chóng bắt đầu đàm phán thương mại với Washington.
Thủ tướng Anwar cho biết, Mỹ đã cam kết sẽ xem xét trường hợp của Malaysia một cách “thông cảm”. Ông nhấn mạnh thêm, ASEAN cũng đang phối hợp để tìm cách đàm phán với Mỹ như một khối. Đồng thời, các nước thành viên cần xây dựng khả năng phục hồi kinh tế bằng cách tăng cường liên kết sâu sắc hơn với các đối tác khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu.
Đối với vấn đề cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Thủ tướng Anwar tin rằng điều này sẽ không làm chia rẽ khối ASEAN, bởi các nước trong khu vực vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với cả hai siêu cường. Ông cũng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các tranh chấp lãnh thổ giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ), cũng như xung đột tại Myanmar sau cuộc chính biến quân sự năm 2021.
Thủ tướng Anwar từng gặp Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, tại Bangkok tháng trước và có cuộc đàm phán trực tuyến với Chính phủ Thống nhất Quốc gia (chính phủ đối lập). Dù các cuộc đàm phán hiện tại chỉ tập trung vào viện trợ nhân đạo, ông Anwar bày tỏ hy vọng chúng có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình về sau. Tướng Min Aung Hlaing đã bị cấm tham dự các cuộc họp của ASEAN sau khi quân đội nước này từ chối tuân thủ kế hoạch hòa bình của khối, vốn bao gồm việc cung cấp viện trợ nhân đạo và đàm phán. Các bên phản đối và chỉ trích chính quyền quân sự cho rằng viện trợ không được phân phối tự do đến các khu vực không nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội, và cáo buộc quân đội vi phạm lệnh ngừng bắn tự tuyên bố bằng hàng chục cuộc không kích.
Tin tức được tổng hợp theo Associated Press.