Vatican vừa có Giáo hoàng mới, đó là Hồng y người Mỹ Robert Prevost. Ngài đã chọn tông hiệu Leo XIV, trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử sinh ra tại Hoa Kỳ.
Trong những lời đầu tiên sau khi đắc cử, được công bố từ ban công của Đền thờ Thánh Phêrô, Giáo hoàng Leo XIV đã gửi đi thông điệp về hòa bình, đối thoại và truyền giáo. Ngài mặc chiếc áo choàng đỏ truyền thống của Giáo hoàng, khác với phong cách giản dị của Giáo hoàng Phanxicô khi ngài đắc cử năm 2013.
Giáo hoàng mới nói tiếng Ý và sau đó chuyển sang tiếng Tây Ban Nha, nhắc lại nhiều năm làm thừa sai và sau đó là Tổng Giám mục ở Chiclayo, Peru. Ngài đã bày tỏ lòng biết ơn thành phố Chiclayo trong bài diễn văn đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng.
Việc chọn tông hiệu Leo XIV, gợi nhớ đến Giáo hoàng Leo XIII (người lãnh đạo Giáo hội từ 1878 đến 1903 và nổi tiếng với thông điệp về quyền của người lao động và chủ nghĩa tư bản), được các chuyên gia nhận định là dấu hiệu cho thấy ngài sẽ tiếp tục định hướng của Giáo hội dưới thời Giáo hoàng Phanxicô, đặc biệt là tập trung vào các vấn đề xã hội, người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Theo NBC News, các nhà phân tích cho rằng việc nhắc đến việc ôm lấy toàn thế giới và tính hiệp hành trong bài phát biểu của Giáo hoàng Leo XIV càng củng cố nhận định này. Một số ý kiến cho rằng việc chọn tông hiệu này là một “dấu hiệu sâu sắc về cam kết đối với các vấn đề xã hội” và cho thấy công bằng xã hội sẽ là ưu tiên hàng đầu của ngài, tiếp nối sứ vụ của Giáo hoàng Phanxicô.
Khi còn là Hồng y, Robert Prevost được biết đến là người có quan điểm gần gũi với tầm nhìn của Giáo hoàng Phanxicô, đặc biệt quan tâm đến người di cư và người nghèo. Giáo hoàng Phanxicô rõ ràng đã nhìn thấy ở ngài một người kế nhiệm tiềm năng. Ngài đã đưa Hồng y Prevost về Vatican vào năm 2023 để đứng đầu cơ quan quan trọng chuyên thẩm định các đề cử giám mục trên toàn thế giới. Trong vai trò này, ngài đã thực hiện một trong những cải cách mang tính cách mạng của Giáo hoàng Phanxicô khi bổ sung ba phụ nữ vào nhóm bỏ phiếu quyết định đề cử giám mục.
Vào tháng 1 vừa qua, ngài được Giáo hoàng Phanxicô nâng lên hàng Hồng y cao cấp, tạo tiền đề cho vai trò nổi bật của ngài trong Mật nghị Hồng y vừa qua.
Tờ National Catholic Reporter cho biết các Hồng y bầu cử “muốn một người chia sẻ cam kết của [Giáo hoàng Phanxicô] về tính hiệp hành và tập trung vào người nghèo trên thế giới”. Tờ báo khẳng định “chúng ta có thể chắc chắn rằng các Hồng y đã chọn một người cam kết với những cải cách mà Giáo hoàng Phanxicô đã bắt đầu”.
Giáo hoàng Leo XIV từng là Bề trên Tổng quyền của Dòng Thánh Augustinô, một dòng tu được thành lập vào thế kỷ 13, chuyên về đời sống khó nghèo, phục vụ và truyền giáo. Tinh thần của dòng tu này dựa trên giáo huấn của Thánh Augustinô thành Hippo, một trong những nhà thần học vĩ đại của Kitô giáo sơ khai. Dòng Thánh Augustinô hiện diện tại khoảng 50 quốc gia, nhấn mạnh đời sống chiêm niệm, cộng đoàn và phục vụ người khác. Giá trị cốt lõi của họ là “sống hòa hợp với nhau, đồng tâm nhất trí trên đường đến với Chúa”.
Nhiều người thân cận mô tả Giáo hoàng mới là người khiêm tốn và là một tấm gương tuyệt vời. Tổng Giám mục Philadelphia, Nelson Jesus Pérez, chia sẻ với NBC News rằng ngài là “một món quà tuyệt vời cho Giáo hội và thế giới”, là một “người của Chúa tuyệt vời, hiền lành và sâu sắc”.
Theo NBC News, khi còn là Hồng y, ngài có tài khoản X (trước đây là Twitter), thường đăng tải các nội dung liên quan đến Công giáo, đôi khi cũng đề cập đến chính trị. Chẳng hạn, vào tháng 2, ngài chia sẻ một bài viết từ National Catholic Reporter phản bác quan điểm của Phó Tổng thống JD Vance về việc ưu tiên tình yêu thương những người thân cận hơn người nước ngoài. Điều này đã khiến một số nhà bình luận bảo thủ chỉ trích, gọi ngài là “con rối Marxist ở Vatican”.
Việc ngài là người Mỹ từng được xem là một rào cản, do ảnh hưởng địa chính trị lớn của Hoa Kỳ trên trường thế giới. Tuy nhiên, ngài là người gốc Chicago nhưng cũng là công dân Peru và đã sống nhiều năm ở Peru, điều này có lẽ đã giúp ngài vượt qua rào cản đó.