Hồi 12:33 trưa một ngày thứ Hai nắng đẹp, hệ thống cung cấp điện năng thiết yếu cho hơn 50 triệu dân ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã sụp đổ. Từ Lisbon đến Barcelona, đèn đóm tối om, tàu điện ngừng chạy, kiểm soát viên không lưu phải làm việc ngoại tuyến, và nhân viên bệnh viện vội vã tìm cách duy trì sự sống cho bệnh nhân. Hai quốc gia hiện đại, văn minh bỗng chốc rơi vào cảnh hỗn loạn.
Ngay lập tức, người ta đổ xô tìm nguyên nhân, nào là tấn công mạng, lỗi phần mềm, hay hiện tượng khí quyển hiếm gặp. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguyên nhân này có thể đã bỏ sót vấn đề cốt lõi. Trong các hệ thống phức tạp, liên kết chặt chẽ như lưới điện châu Âu, thảm họa tiếp theo không phải do một nguyên nhân đơn lẻ gây ra. Nó được “kích hoạt”.
Tác giả bài viết, người có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thảm họa ở New York City, chia sẻ rằng ông đã chứng kiến thời tiết cực đoan, lưới điện, hệ thống giao thông và thậm chí cả mạng lưới khủng bố làm tê liệt các kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Ông nhận ra điều mà các nhà vật lý và lý thuyết hệ thống đã biết từ lâu: Trong các hệ thống phức tạp, thảm họa không phải là ngoại lệ; nó là điểm đến tất yếu.
Quay lại những năm 1990, nhà vật lý Đan Mạch Per Bak đã đưa ra lý thuyết về “trạng thái tới hạn tự tổ chức” (self-organized criticality). Lý thuyết này cho rằng các hệ thống phức tạp – dù là hệ thống điện, thành phố, nền kinh tế hay thậm chí là hệ sinh thái – đều có xu hướng tự tổ chức vào những trạng thái dễ bị tổn thương. Khi các kết nối tăng lên và hiệu quả được cải thiện, khoảng trống cho sai sót biến mất. Một lỗi nhỏ bé, tưởng chừng không đáng kể, bỗng có thể gây ra sự sụp đổ dây chuyền trên toàn lục địa. Điều này không phải vì lỗi đó quá nghiêm trọng, mà vì bản thân hệ thống đã tiến hóa đến ngưỡng của thảm họa.
Đây chính là điều đã xảy ra ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Và nó chắc chắn sẽ lặp lại.
Trong tác phẩm kinh điển “Tai nạn Bình thường” (Normal Accidents), nhà xã hội học Charles Perrow giải thích lý do tại sao. Các hệ thống như mạng viễn thông hay lưới điện quốc gia không chỉ phức tạp mà còn “liên kết chặt chẽ” (tightly coupled), nghĩa là một thất bại sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến các thành phần khác. Kết quả là những thất bại không chỉ có khả năng xảy ra cao mà còn là “bình thường”. Cố gắng tìm và loại bỏ mọi lỗi có thể xảy ra chỉ là công cốc. Bạn không thể dùng cách sửa lỗi để thoát khỏi rủi ro hệ thống.
Khái niệm này có vẻ trừu tượng cho đến khi bạn là người phải giải quyết các vấn đề của hàng triệu người bị mắc kẹt trong vụ mất điện. Đó là bệnh nhân lớn tuổi bị ngừng máy thở, hành khách tàu điện ngầm bị kẹt dưới lòng đất, y tá phải làm việc bằng đèn pin, hay cửa hàng tạp hóa mất trắng hàng hóa trong bóng tối.
Chúng ta thường nghĩ thảm họa là những cú sốc từ bên ngoài – tấn công khủng bố, bão lụt, đại dịch. Nhưng ngày càng nhiều thảm họa chúng ta đối mặt lại là “tính chất mới nổi” (emergent properties) của chính những hệ thống mà chúng ta đã xây dựng. Cơ sở hạ tầng tinh gọn, hiệu quả, kết nối cao có thể hoạt động trơn tru vào những ngày đẹp trời. Nhưng chúng lại đổ vỡ một cách ngoạn mục vào những ngày tồi tệ.
Nhà thống kê Nassim Nicholas Taleb, trong tác phẩm có ảnh hưởng “Thiên Nga Đen” (The Black Swan), gọi thế giới nơi các sự kiện ít xảy ra nhưng tác động lớn chiếm ưu thế là “Extremistan”. Ở đây, điều tưởng chừng không thể xảy ra lại xảy ra thường xuyên. Điều tưởng chừng ổn định lại sụp đổ không báo trước. Và điều tưởng chừng riêng lẻ lại liên kết chặt chẽ, nguy hiểm. Tác giả phải nói thật với bạn, chúng ta đang sống trong Extremistan rồi. Vậy chúng ta nên làm gì?
Đầu tiên, chúng ta phải ngừng tranh cãi về xác suất. Những thất bại thảm khốc không hề hiếm. Chúng là một phần cấu tạo sẵn. Vấn đề không phải là liệu một hệ thống khác có sụp đổ hay không, mà là khi nào và bao nhiêu hệ thống khác sẽ sụp đổ theo.
Thứ hai, chúng ta phải chuyển từ tư duy tối ưu hóa sang tư duy phục hồi (resilience). Cơ sở hạ tầng thiết yếu duy trì cuộc sống hàng ngày – giao thông, liên lạc, nước sạch và xử lý nước thải, năng lượng, thực phẩm, y tế – phải được xây dựng để có thể hấp thụ các cú sốc và tiếp tục hoạt động, không chỉ trên giấy tờ mà còn trong thực tế. Điều đó có nghĩa là cần có “khoảng dự phòng” (slack) trong hệ thống. Cần sự dư thừa (redundancy). Cần đào tạo đa năng. Cần có cơ chế vận hành thủ công. Và cần có một đội ngũ quản lý khẩn cấp chuyên nghiệp, được trao quyền để lên kế hoạch, diễn tập và dẫn dắt.
Và cuối cùng, chúng ta phải chuẩn bị cho khoảnh khắc quyết định – giờ đầu tiên khi hệ thống sụp đổ và công tác ứng phó bắt đầu. Giờ đó không phải là diễn tập. Đó là vấn đề sinh tử đối với những người dễ bị tổn thương, người già, người có nhu cầu đặc biệt, người bị cô lập. Nếu chúng ta không sẵn sàng, mọi việc sẽ quá muộn.
Vụ mất điện ở bán đảo Iberia không phải là sự cố cá biệt. Nó không phải là ngẫu nhiên. Đó là tín hiệu từ tương lai, được gửi đến bằng ngôn ngữ của bóng tối. Công việc của chúng ta là lắng nghe – và hành động – trước khi “thiên nga đen” tiếp theo xuất hiện.
Bài viết của Kelly McKinney, chuyên gia quản lý khẩn cấp (Theo Seattle Times).