Sau 5 năm, những bức họa Black Lives Matter vẫn là biểu tượng bền bỉ trên đường phố Mỹ

Sau mùa hè biểu tình lịch sử năm 2020 làm rung chuyển nhiều thành phố của Hoa Kỳ, khẩu hiệu “Black Lives Matter” (Mạng người Da đen đáng giá) không chỉ là tiếng nói đòi công lý cho sắc tộc mà còn được khắc họa thành những bức tranh khổng lồ trên các tuyến đường nơi người biểu tình đã tuần hành.

Năm năm sau cái chết của George Floyd, Breonna Taylor và Ahmaud Arbery, nhiều thị trấn và thành phố trên khắp nước Mỹ đã ủy quyền cho các nghệ sĩ vẽ những bức tranh tường BLM trên đường phố để thể hiện sự đoàn kết trong công cuộc xem xét lại nạn bạo lực của cảnh sát và vấn đề phân biệt chủng tộc. Đây là kết quả của các cuộc biểu tình quy mô lớn, đa sắc tộc chưa từng có.

Ngày nay, nhiều bức họa vẫn được duy trì bởi các nhà hoạt động và cộng đồng, trong khi số khác đã biến mất do thời tiết, xây dựng hoặc bị phá hoại. Thậm chí, bức họa được cho là nguồn cảm hứng cho phong trào này – dòng chữ màu vàng cao 11 mét trên một con phố cách Tòa Bạch Ốc một dãy nhà – cũng không còn.

Thị trưởng Washington D.C., Muriel Bowser, đã ra lệnh xóa bỏ bức họa BLM vào tháng 3 vừa qua dưới áp lực từ Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Bà Bowser ghi nhận rằng bức họa này – một hành động thách thức chính quyền Tổng Thống Donald Trump – “đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người và giúp thành phố chúng ta vượt qua một giai đoạn đau thương”.

Keyonna Jones, một trong bảy nghệ sĩ đã vẽ quảng trường Black Lives Matter Plaza, hiểu lý do Thị trưởng Bowser hành động và cho rằng việc dỡ bỏ bức họa không làm giảm đi tầm quan trọng lịch sử của nó. Bà chia sẻ, việc bức họa được tái tạo khắp thế giới chỉ trong 24 giờ “thật sự nói lên sức mạnh của nghệ thuật, và đó là phần tôi yêu thích nhất trong toàn bộ trải nghiệm này”.

Theo Urban Art Mapping, một cơ sở dữ liệu về nghệ thuật đường phố công cộng, gần 150 bức họa “Black Lives Matter” vẫn tồn tại trên khắp nước Mỹ. Mỗi bức tượng trưng cho mục đích văn hóa và chính trị chung của một cộng đồng. Ngay cả khi Black Lives Matter Plaza ở D.C. bị dỡ bỏ, sự phản chiếu lẫn nhau của các bức họa này vẫn đảm bảo sự tồn tại của chúng, đồng thời phản ánh cả sự vắng mặt của những không gian đã bị xóa bỏ, theo nhà sử học nghệ thuật Lindsey Owen.

Nhiều thành phố khác cũng có những bức họa BLM đáng chú ý, từ Hobson City, Alabama – đô thị tự trị toàn người Da đen đầu tiên của bang, đến Montgomery nơi bức họa tạm thời được dựng lên tại khu vực từng là chợ nô lệ. Oakland, California có bức họa dài ba dãy phố, cùng với bức khác vinh danh cộng đồng Black Trans và Queer. Los Angeles có bức họa cầu vồng trên Đại lộ Hollywood tuyên bố “All Black Lives Matter” (Mạng sống của tất cả người Da đen đều đáng giá), đặc biệt bao gồm người chuyển giới và da màu.

Tại Hartford, Connecticut, bức họa từng bị bôi bẩn bằng biểu tượng chữ Vạn đã được vẽ lại vào năm 2023. Nghệ sĩ Andre Rochester, người tham gia vẽ cả hai lần, cho biết bức họa đại diện cho cộng đồng người Da đen và da màu của thành phố, tạo ra một “tuyên bố mạnh mẽ rằng Thành phố Hartford quan tâm”. St. Petersburg, Florida, đã vẽ lại bức họa BLM thành “Black History Matters” (Lịch sử người Da đen đáng giá) vào năm 2023.

Nhiều bức họa khác cũng đối mặt với sự phá hoại nhưng sau đó được phục hồi hoặc bảo trì, như ở Chicago, Minneapolis (nơi George Floyd bị sát hại), Kansas City, Jersey City, East Orange. Tại New York City, các bức họa trước Trump Tower và ở Harlem, Brooklyn đã bị những người phản đối phá thai bôi sơn đen. Ở Dallas và Seattle, các bức họa được đảm bảo bảo trì và vẽ lại hàng năm.

Những bức họa này không chỉ là nghệ thuật đường phố mà còn là những lời nhắc nhở mạnh mẽ và bền bỉ về một giai đoạn lịch sử quan trọng, về cuộc đấu tranh không ngừng cho công lý và bình đẳng sắc tộc tại Hoa Kỳ, theo tin từ ABC News/Associated Press.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú