Phong trào #MeToo: Bước ngoặt mới ở Pháp sau vụ Gérard Depardieu?

Tuần qua là thời điểm quan trọng đối với ngành điện ảnh Pháp, đặc biệt là với những người đàn ông quyền lực. Nam diễn viên nổi tiếng nhất nước Pháp, Gérard Depardieu, đã bị kết tội tấn công tình dục. Hai ngày sau, Liên hoan phim Cannes cấm một nam diễn viên khác, Théo Navarro-Mussy, người bị cáo buộc hiếp dâm, không được bước trên thảm đỏ.

Những quyết định này cùng lúc gửi đi một thông điệp mà Pháp từ lâu vẫn né tránh: tài năng nghệ thuật không còn là tấm khiên che chắn cho những kẻ lạm dụng quyền lực.

Trong nhiều thập kỷ, Depardieu được xem là “quái vật thiêng liêng” của điện ảnh Pháp – một tài năng xuất chúng với tính cách phóng khoáng, thất thường, thậm chí hung hăng, đã trở thành một phần huyền thoại của ông. Với hơn 250 bộ phim trong sự nghiệp, nhiều người tin rằng ông sẽ không thể bị chạm tới, ngay cả sau khi hơn 20 phụ nữ cáo buộc ông có hành vi sai trái về tình dục.

Giờ đây, huyền thoại đó đã rạn nứt. Vụ việc này đã làm sống lại câu hỏi lớn hơn mà Pháp né tránh kể từ khi phong trào #MeToo bùng nổ: liệu một đất nước tôn vinh sự quyến rũ và bất kính cuối cùng có thể buộc những biểu tượng nam giới của mình chịu trách nhiệm?

Pháp từ lâu đã sống trong mâu thuẫn về #MeToo, với quan niệm rằng tài năng, sự quyến rũ hay trí tuệ có thể bỏ qua hành vi sai trái, rằng nghệ thuật có thể biện minh cho người nghệ sĩ. Đây là mảnh đất sản sinh ra biểu tượng sắc đẹp như Brigitte Bardot và Catherine Deneuve – những người lại tỏ thái độ phản đối khi phong trào #MeToo gõ cửa. Deneuve từng bảo vệ “quyền” quyến rũ, trong khi Bardot thẳng thừng bác bỏ nữ quyền và nói “Tôi thích đàn ông”.

Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi rất nhanh.

Bước chuyển mình tại Cannes

Depardieu bị tuyên án 18 tháng tù treo vào Thứ Ba vừa qua vì sàm sỡ hai phụ nữ trên phim trường năm 2021. Ông phủ nhận cáo buộc và đang kháng cáo.

Luật sư của một trong hai phụ nữ thắng kiện Depardieu, bà Carine Durrieu Diebolt, nói với Associated Press rằng đây là “sự kết thúc của việc miễn trừ trách nhiệm cho những nghệ sĩ với chữ A viết hoa”. Phán quyết này là “một dấu chấm hết cho việc đặt các diễn viên lên bệ thờ chỉ vì họ tài năng”.

Hai ngày sau, Liên hoan phim Cannes danh giá cấm nam diễn viên Théo Navarro-Mussy – bị ba bạn tình cũ cáo buộc hiếp dâm – không được tham dự buổi ra mắt bộ phim có ông đóng, mặc dù hồ sơ vụ kiện đã bị hủy vì thiếu bằng chứng. Các nạn nhân đang tiến hành đơn kiện dân sự.

Navarro-Mussy phủ nhận hành vi sai trái. Luật sư của ông cho biết không biết về bất kỳ thủ tục tố tụng nào đang diễn ra chống lại ông.

Điều gây choáng váng không chỉ là quyết định, mà còn là người đưa ra quyết định. Giám đốc Cannes, Thierry Frémaux, từ lâu được xem là đại diện cho lớp người cũ. Ông đã bảo vệ Roman Polanski trong nhiều năm và tiếp tục chiếu phim của đạo diễn này bất chấp việc Polanski nhận tội quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên tại Mỹ năm 1977. Năm 2018, khi được hỏi tại sao Cannes vẫn đưa phim của Polanski vào danh sách, Frémaux nói: “Đây là những vấn đề phức tạp”.

Ông Frémaux cũng mở màn Liên hoan phim năm 2023 bằng một bộ phim có Johnny Depp đóng chính, bất chấp cuộc chiến pháp lý ồn ào của nam diễn viên này với vợ cũ Amber Heard về các cáo buộc bạo lực gia đình, mà Depp chưa từng bị truy tố hình sự. Khi được hỏi về phản ứng tiêu cực, Frémaux trả lời: “Tôi chỉ có một nguyên tắc: đó là sự tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận và hành động trong khuôn khổ pháp luật”.

Tuần này, các quy tắc đã thay đổi.

Bà Céline Piques từ Osez le féminisme (“Dám Nữ quyền!”), một nhóm vận động chống bạo lực tình dục, nhận định: “Quyết định của Cannes rõ ràng có liên quan đến phán quyết vụ Depardieu. Họ đã nhận ra chiều gió đang đổi hướng. Frémaux đang cố gắng sửa chữa sai lầm”.

Vẫn còn những phản kháng

Không phải ai cũng chào đón phán quyết – và những gì diễn ra sau đó – như một bước ngoặt văn hóa.

Fanny Ardant, một trong những nữ diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Pháp và là bạn lâu năm của Depardieu, đã ngồi ở phía ông trong tòa án. Hiện bà vẫn đang đạo diễn ông trong một bộ phim ở Bồ Đào Nha, bất chấp bản án. “Fanny Ardant? Bà ấy hoàn toàn lạc lõng,” Piques nói. “Bà ấy hạ thấp bạo lực, bình thường hóa nó. Đó chính là văn hóa hiếp dâm, đơn giản là vậy”.

Juliette Binoche, Chủ tịch ban giám khảo Cannes và là một trong những diễn viên được kính trọng nhất của Pháp, đưa ra nhận xét thận trọng: “Ông ấy không phải là quái vật. Ông ấy là một người đàn ông – một người, rõ ràng, đã bị phá bỏ thần tượng”. Sự thận trọng của bà phản ánh một điều sâu sắc hơn: một đất nước đang giằng xé giữa mong muốn thay đổi và bản năng bảo vệ những ‘người khổng lồ’ của mình.

Hệ thống tư pháp đang dần mở cửa

Năm 2024, hơn 22,000 vụ hiếp dâm được báo cáo tại Pháp, nhưng chỉ dưới 3% dẫn đến kết án. “Phán quyết vụ Depardieu cho thấy có sự tiến bộ,” luật sư Anne-Sophie Laguens, người làm việc với các nạn nhân bị tấn công tình dục, cho biết. “Nhưng đối với hầu hết phụ nữ, rào cản tiếp cận công lý vẫn còn rất lớn”.

Khi Bertrand Cantat – thủ lĩnh nhóm nhạc rock nổi tiếng Noir Désir – bắt đầu chuyến lưu diễn trở lại vào năm 2018, ông chỉ mới thụ án bốn năm tù vì tội giết bạn đời, nữ diễn viên Marie Trintignant, trong một vụ tấn công bạo lực. Bất chấp sự phẫn nộ của công chúng, ông vẫn trở lại sân khấu biểu diễn.

“Điều đó sẽ là không thể tưởng tượng được ngày nay,” Piques nói. “Tâm lý công chúng đã thay đổi. Những gì chúng ta dung thứ đã thay đổi”.

Sự dịch chuyển của nỗi hổ thẹn

Một bước đột phá không đến từ phim trường, mà từ một phòng xử án ở Avignon. Vụ kết tội 51 người đàn ông đánh thuốc và hiếp dâm Gisele Pelicot – một vụ án bị bỏ qua từ lâu bất chấp những lời kêu gọi của bà – đã đánh dấu một bước ngoặt. Trong nhiều năm, sự hổ thẹn thuộc về bà. Giờ đây, nó thuộc về những kẻ thủ ác.

“Vụ đó chứng minh những kẻ hiếp dâm không chỉ là người lạ trong ngõ hẻm,” Piques nói. “Họ là chồng, là đồng nghiệp, là những người đàn ông được kính trọng”. Sự dịch chuyển nỗi hổ thẹn này đang lan tỏa qua thế giới văn hóa – nơi từng được coi là thành trì của đặc quyền nam giới. Gần đây, đạo diễn Christophe Ruggia bị kết tội lạm dụng nữ diễn viên Adèle Haenel khi cô còn vị thành niên, dù ông đang kháng cáo; và diễn viên-đạo diễn Nicolas Bedos bị kết án vì tấn công tình dục.

Vậy #MeToo đã thắng?

Chậm rãi nhưng chắc chắn, câu trả lời là có. Hệ thống từng bảo vệ những người đàn ông như Depardieu vẫn chưa bị dỡ bỏ hoàn toàn, nhưng nó đang thay đổi. Như một trong những người tố cáo Depardieu đã nói trong nước mắt sau phán quyết: “Tôi rất, rất hài lòng với quyết định này. Đó thực sự là một chiến thắng đối với tôi. Và là một bước tiến lớn. Tôi cảm thấy công lý đã được thực thi”.

Theo tin từ Associated Press.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú