Theo NBC News, Tổng thống Donald Trump gợi ý về việc tạm hoãn áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu, nhằm tạo thêm thời gian cho các nhà sản xuất di dời hoặc tăng cường sản xuất xe và phụ tùng tại Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia và lãnh đạo ngành ô tô cho rằng việc này không đơn giản. Thuế nhập khẩu phụ tùng ô tô dự kiến có hiệu lực vào ngày 3/5 sẽ làm tăng chi phí xe, ngay cả khi lắp ráp tại Mỹ.
Việc di dời dây chuyền sản xuất mất nhiều năm lên kế hoạch và xây dựng, tốn kém. Xây dựng nhà máy lắp ráp đòi hỏi tuyển dụng công nhân, xây dựng cơ sở hạ tầng (cung cấp nước, năng lượng) và chuỗi cung ứng phụ tùng.
Một nhà máy mới quy mô lớn như của Hyundai ở Georgia (diện tích 16 triệu feet vuông) cần hàng ngàn mẫu đất và không gian nhà xưởng lớn.
Doug Betts từ J.D. Power cho biết, xin giấy phép xây dựng đã mất 6-12 tháng, xây dựng mất thêm 12-18 tháng, và còn cần thời gian để lắp đặt thiết bị, tăng tốc sản xuất.
Christian Meunier, chủ tịch Nissan Americas, cho biết việc nội địa hóa sản xuất các mẫu xe mới không thể thực hiện trong một sớm một chiều, mà cần nhiều năm.
Sáu nhóm chính sách hàng đầu đại diện cho ngành ô tô Mỹ đã hợp lực để vận động chính quyền Trump không áp thuế phụ tùng ô tô. Họ cho rằng việc xem xét lại thuế nhập khẩu phụ tùng ô tô là “một sự phát triển tích cực và cứu trợ đáng hoan nghênh”.
Giải pháp nào khả thi?
Cách nhanh nhất để tăng sản lượng tại Mỹ là sử dụng các nhà máy hiện có, như Nissan đang làm. Xây nhà máy mới tốn thời gian và tiền bạc hơn, nhưng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho cộng đồng khi các nhà cung cấp nội địa hóa sản xuất.
Theo báo cáo năm 2022 từ Alliance for Automotive Innovation, mỗi việc làm trực tiếp trong sản xuất ô tô tạo ra thêm 10,5 việc làm khác tại Mỹ.
Nhà máy lắp ráp ô tô mới nhất tại Mỹ là “Metaplant” của Hyundai ở Georgia. Dự án trị giá 12,6 tỷ USD này mất khoảng 2,5 năm xây dựng. Hyundai dự kiến tạo ra 8.500 việc làm vào năm 2031, với công suất 300.000 xe mỗi năm.
Mark Wakefield từ AlixPartners cho biết, việc xây dựng một nhà máy mới thường mất khoảng 4 năm.
Tesla cũng từng xây dựng nhà máy ở Trung Quốc trong vòng chưa đầy một năm nhờ sự hỗ trợ của chính phủ.
Hành động nhanh
Ngoài việc xây nhà máy mới, có những cách nhanh hơn và ít tốn kém hơn để tăng sản lượng tại Mỹ, đặc biệt nếu sản phẩm được sản xuất ở nhiều địa điểm và nhà sản xuất có công suất dư thừa.
Nhiều hãng xe như General Motors sử dụng nhiều nhà máy để sản xuất các sản phẩm bán chạy nhất. GM sản xuất xe bán tải Chevrolet Silverado tại Canada, Mexico và Mỹ.
Khi thuế 25% của Trump có hiệu lực, GM cho biết sẽ tăng sản lượng xe bán tải cỡ lớn tại nhà máy gần Fort Wayne, Indiana và thuê thêm nhân viên thời vụ.
Các nhà sản xuất ô tô luôn cố gắng bảo vệ sản xuất các dòng xe có lợi nhuận cao nhất. Trong quá khứ, họ đã chi hàng tỷ đô la để thay đổi nhà máy hoặc sản xuất song song các mẫu xe cũ và mới.
Để giảm thiểu gián đoạn sản xuất Ford Explorer SUV năm 2019, Ford đã chi 1 tỷ USD để cải tạo hoàn toàn xưởng thân xe và cải tiến nhà máy ở Illinois. Quá trình này mất 30 ngày, nhưng việc ra mắt xe bị lỗi, khiến công ty tốn hàng tỷ USD cho việc thu hồi và sửa chữa.
Doug Betts cho biết, hầu hết các công ty sẽ xây dựng một nhà máy khác cho mẫu xe mới, đồng thời tiếp tục sản xuất mẫu cũ để có sự chuyển đổi dễ dàng hơn.
Các công ty ô tô cũng cần sự chắc chắn rằng các quy định hoặc chính sách thương mại sẽ không thay đổi trong quá trình xây dựng, để tránh lãng phí hàng tỷ đô la.
Swamy Kotagiri, CEO của nhà cung cấp phụ tùng ô tô Magna (Canada), cho biết: “Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề một cách thực tế. Tôi không thấy việc nhấc một thứ lên và di chuyển nó dễ dàng như thế nào”.
Theo NBC News