Tổng thống Donald Trump vừa thông báo quyết định đề cử Mike Waltz, cố vấn an ninh quốc gia, làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc. Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ tạm thời kiêm nhiệm vị trí của Waltz.
Thông tin này được đưa ra ngay sau khi có tin Waltz và cấp phó rời khỏi chính quyền. Waltz đã bị chỉ trích vì sự cố nhầm lẫn khi thêm biên tập viên của tạp chí The Atlantic vào nhóm chat Signal bàn về kế hoạch quân sự.
Trên mạng xã hội, Trump viết: “Tôi vui mừng thông báo việc đề cử Mike Waltz làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc. Từ chiến trường, Quốc hội đến vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia, Mike Waltz luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.”
Ông cũng cho biết Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ tạm thời giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia, đồng thời tiếp tục vai trò lãnh đạo tại Bộ Ngoại giao.
Việc một ngoại trưởng kiêm nhiệm vị trí cố vấn an ninh quốc gia không phải là chưa có tiền lệ. Henry Kissinger từng giữ cả hai chức vụ từ năm 1973 đến 1975.
Hiện chưa rõ Rubio sẽ giữ cả hai chức vụ trong bao lâu. Tuy nhiên, ông sẽ phải “gánh team” trong bối cảnh chính quyền Trump đang đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại như xung đột ở Ukraine và Gaza, chương trình hạt nhân của Iran và tình hình kinh tế thế giới bất ổn.
Trước đó, Waltz đã bị chỉ trích vì thêm nhà báo Jeffrey Goldberg vào nhóm chat kín trên ứng dụng nhắn tin mã hóa, nơi thảo luận về kế hoạch cho một chiến dịch quân sự nhạy cảm chống lại lực lượng Houthi ở Yemen.
Quyết định điều Waltz sang Liên Hợp Quốc được đưa ra sau khi Trump rút lại đề cử Hạ nghị sĩ Elise Stefanik vì lo ngại về tỷ lệ phiếu bầu sít sao của đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Waltz cho biết ông rất vinh dự khi tiếp tục phục vụ Tổng thống Trump và đất nước. Việc chuyển từ cố vấn an ninh quốc gia sang vị trí đại sứ tại Liên Hợp Quốc đồng nghĩa với việc ông sẽ phải trải qua phiên điều trần trước Thượng viện.
Thượng nghị sĩ Chris Coons, thành viên hàng đầu của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết Waltz sẽ phải đối mặt với những câu hỏi khó khăn.
Theo nguồn tin từ Associated Press, Trump đang cân nhắc một số trợ lý cấp cao cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, bao gồm Steve Witkoff, Richard Grenell, Sebastian Gorka và Michael Anton.
Về sự cố liên quan đến ứng dụng Signal, Waltz nhận “hoàn toàn trách nhiệm” và cho rằng đó là một “sai lầm” nhưng không gây hại cho người Mỹ. Ông khẳng định không biết Goldberg đã vào nhóm chat bằng cách nào và không quen biết nhà báo này.
Dù vấp phải nhiều chỉ trích, Trump và Nhà Trắng vẫn công khai ủng hộ Waltz. Tuy nhiên, ông vẫn bị công kích từ những nhân vật như Laura Loomer, người kêu gọi Trump loại bỏ những trợ lý không đủ trung thành với chương trình “Make America Great Again”.
Khi có tin Waltz có thể rời chính quyền, Loomer đã đăng trên mạng xã hội X: “SCALP” (ám chỉ việc giành chiến thắng).
Đô đốc Hải quân đã nghỉ hưu Mark Montgomery nhận định việc Trump đề cử Waltz vào vị trí tại Liên Hợp Quốc là một “hạ cánh mềm” sau khi ông bị loại khỏi vị trí cố vấn an ninh quốc gia.
Sự cố Signal đã gây tổn hại cho Waltz. Tuy nhiên, những cuộc tấn công từ Loomer và quan điểm cứng rắn của ông về Iran và Nga cũng gây bất lợi.
Montgomery cho rằng Waltz đã cố gắng điều chỉnh tư duy truyền thống về chính sách đối ngoại để phù hợp với hệ thống cơ hội hơn của tổng thống, nhưng Trump là một người khó điều chỉnh.
Vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth trong vụ Signal cũng gây nhiều tranh cãi. Hegseth đã đăng thông tin về thời gian phóng máy bay và thả bom lên ứng dụng không an toàn và chia sẻ thông tin này với hàng chục người khác.
Ngoài ra, Hegseth còn bị cáo buộc đã bỏ qua các quy trình an ninh của Lầu Năm Góc để thiết lập một đường dây không an toàn cho máy tính cá nhân trong văn phòng của mình, làm tăng nguy cơ thông tin nhạy cảm có thể bị tấn công hoặc giám sát.
Tổng thanh tra Lầu Năm Góc đang điều tra việc Hegseth sử dụng Signal. Bất chấp những tranh cãi, Trump vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào Hegseth.
Nguồn: Associated Press