Một thẩm phán liên bang vừa ra lệnh trả tự do cho Rumeysa Ozturk, nữ sinh người Thổ Nhĩ Kỳ đang theo học tại Đại học Tufts. Cô bị giới chức di trú Mỹ bắt giữ ở Massachusetts và sau đó bị giam giữ ở Louisiana.
Tại phiên điều trần trực tuyến vào thứ Sáu, Thẩm phán Tòa án Quận Liên bang William Sessions cho biết nữ sinh 30 tuổi này đáp ứng mọi điều kiện cần thiết để được trả tự do. Ông cũng chỉ trích gay gắt vụ án mà chính phủ đưa ra chống lại cô.
“Việc tiếp tục giam giữ cô ấy làm đóng băng quyền tự do ngôn luận của hàng triệu người không phải công dân ở đất nước này,” thẩm phán nhấn mạnh.
Cô Ozturk là đồng tác giả một bài viết quan điểm trên báo trường, trong đó chỉ trích cuộc chiến của Israel. Vụ bắt giữ cô diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang có chiến dịch trấn áp cái mà họ xếp loại là chủ nghĩa bài Do Thái trong các khuôn viên trường đại học Mỹ.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ trước đó cáo buộc cô Ozturk “tham gia các hoạt động hỗ trợ Hamas, một tổ chức khủng bố nước ngoài thích thú việc giết người Mỹ”. Tuy nhiên, chính phủ đã không gọi bất kỳ nhân chứng nào tại phiên điều trần.
Video về vụ bắt giữ cô Ozturk vào tháng 3, cho thấy các sĩ quan mặc thường phục đeo mặt nạ còng tay và đưa cô lên một chiếc xe không biển hiệu sau một buổi lễ Ramadan, đã gây ra làn sóng biểu tình trên khắp cả nước.
Đầu tuần này, thẩm phán đã ra lệnh chuyển cô Ozturk đến cơ quan di trú ở Vermont trước ngày 14 tháng 5, nơi cô từng bị giam giữ trước khi bị đưa đến Louisiana. Tuy nhiên, vào thứ Sáu, thẩm phán nói rằng cô nên được trả tự do ngay lập tức mà không bị hạn chế đi lại, để cô có thể đến Vermont hoặc Massachusetts (nơi có Đại học Tufts) khi cần.
Thẩm phán đã lắng nghe lời khai của nhiều nhân chứng, bao gồm cô Ozturk, bác sĩ của cô và một giáo sư tại Đại học Tufts.
Trong lời khai của mình, cô Ozturk nói về học bổng Fulbright và công việc nghiên cứu tiến sĩ của mình. Cô cho biết tình trạng hen suyễn của mình đã trở nên tồi tệ hơn trong thời gian bị giam giữ, và có lúc phải tạm dừng phiên làm chứng vì lên cơn hen suyễn trước camera.
Sau khi nghe lời khai từ các nhân chứng bên phía bào chữa, Thẩm phán Sessions nói rằng cô Ozturk đã đưa ra những tuyên bố “rất đáng kể” về việc quyền Tu chính án thứ Nhất và quyền được xét xử công bằng của cô đã bị vi phạm. Ông nói bằng chứng duy nhất mà chính quyền có được chống lại cô Ozturk là bài viết quan điểm của cô.
“Đó đúng nghĩa là tất cả,” ông nói, theo các phóng viên tòa án. “Không có bằng chứng nào cho thấy cô ấy đã tham gia bạo lực hoặc ủng hộ bạo lực.”
Trong một tuyên bố, Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), tổ chức đại diện cho cô Ozturk, cho biết họ “vui mừng” về việc cô được trả tự do.
“Rümeysa giờ đây có thể trở về cộng đồng Tufts thân yêu của mình, tiếp tục việc học và bắt đầu giảng dạy trở lại,” Noor Zafar, luật sư cấp cao của ACLU, nói. “Phán quyết hôm nay nhấn mạnh một nguyên tắc quan trọng của Tu chính án thứ Nhất: Không ai nên bị chính phủ bỏ tù vì bày tỏ niềm tin của mình.”
Thẩm phán Sessions nói với tòa án rằng chính phủ phải thông báo cho ông khi cô Ozturk được trả tự do và cho biết ông sẽ bác bỏ bất kỳ kiến nghị nào nhằm ngăn chặn việc trả tự do cho cô.
Theo nguồn tin BBC News, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã giam giữ một số sinh viên quốc tế – một số là thường trú nhân hợp pháp – những người đã tổ chức các hoạt động ủng hộ Palestine.
Tuần trước, một thẩm phán đã ra lệnh cho chính phủ trả tự do cho Mohsen Mahdawi, sinh viên Đại học Columbia, sau khi giới chức di trú giam giữ anh trong một cuộc phỏng vấn nhập tịch. Thường trú nhân 34 tuổi này lớn lên trong một trại tị nạn ở Bờ Tây và đã bị giam giữ tại một cơ sở ở Vermont.
Một trong những trường hợp nổi bật nhất cho đến nay liên quan đến Mahmoud Khalil, một cựu sinh viên tốt nghiệp Columbia và là nhà hoạt động ủng hộ Palestine nổi tiếng, người vẫn đang bị giam giữ tại một cơ sở ở Louisiana mà không có cáo buộc.