Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang sau khi Ấn Độ phóng tên lửa vào Pakistan vào sáng sớm thứ Tư. Ấn Độ cho biết các cuộc tấn công nhắm vào “trại khủng bố” và là để đáp trả vụ thảm sát 26 người, chủ yếu là khách du lịch Ấn Độ, tại vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý hồi tháng trước.
New Delhi từ lâu đã cáo buộc Pakistan hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới và đổ lỗi cho Islamabad về vụ tấn công Kashmir, vụ việc mới nhất trong lịch sử xung đột lâu dài giữa hai nước.
Lịch sử xung đột giữa hai nước bắt nguồn từ năm 1947, khi Ấn Độ và Pakistan giành được độc lập từ Anh. Vùng Kashmir, với phần lớn dân số là người Hồi giáo nhưng lại do người Hindu cai trị, đã trở thành tâm điểm tranh chấp. Hai nước đã trải qua ba cuộc chiến tranh lớn và nhiều cuộc xung đột nhỏ hơn vì Kashmir.
Năm 1947-1948, sau khi kết thúc ách cai trị của Anh, tiểu lục địa Ấn Độ bị chia cắt. Hơn một triệu người được cho là đã thiệt mạng trong làn sóng bạo lực sắc tộc. Kashmir trở thành điểm nóng khi Pakistan ủng hộ một cuộc nổi dậy, dẫn đến chiến tranh với Ấn Độ.
Năm 1965, Pakistan một lần nữa tìm cách kiểm soát Kashmir, dẫn đến một cuộc chiến khác với Ấn Độ. Cuộc chiến kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian.
Năm 1971, chiến tranh nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan do cuộc khủng hoảng ở Đông Pakistan (nay là Bangladesh). Ấn Độ ủng hộ các lực lượng du kích chống lại quân đội Pakistan, dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện. Quân đội Pakistan cuối cùng đã đầu hàng.
Năm 1999, hai bên lại đụng độ tại Kargil, Kashmir. Giao tranh kết thúc với việc Ấn Độ giành lại Kargil.
Những năm 2000 chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố ở Kashmir và các nơi khác ở Ấn Độ, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Vụ tấn công khủng bố ở Mumbai năm 2008, khiến 166 người thiệt mạng, là một ví dụ điển hình.
Năm 2016 và 2019, các cuộc đụng độ biên giới và các cuộc tấn công khủng bố tiếp tục làm leo thang căng thẳng. Việc Ấn Độ bãi bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir năm 2019 đã làm gia tăng căng thẳng hơn nữa.
Theo NBC News.