Nhóm người da trắng Nam Phi đầu tiên đến Mỹ theo chương trình tị nạn thời Trump

Chuyến bay do Mỹ tài trợ chở nhóm đầu tiên gồm 49 người Nam Phi da trắng đã hạ cánh xuống Washington, sau khi khởi hành từ Johannesburg vào Chủ Nhật. Đây là nhóm đầu tiên được cấp quy chế tị nạn theo kế hoạch của Tổng Thống Donald Trump.

Quan hệ giữa Nam Phi và Mỹ đã căng thẳng trong nhiều tháng qua, sau khi Tổng Thống Donald Trump tuyên bố rằng các thành viên thiểu số Afrikaner (người gốc Hà Lan) ở nước này là nạn nhân của “phân biệt chủng tộc”.

Phía Nam Phi đã bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc này. Ngoại trưởng Nam Phi Ronald Lamola hôm thứ Hai khẳng định “không có sự đàn áp người Nam Phi gốc Afrikaner da trắng”, và cho biết các báo cáo của cảnh sát đã bác bỏ tuyên bố của Tổng Thống Trump. Nam Phi nhấn mạnh, bất kỳ cáo buộc đàn áp nào cũng không đáp ứng ngưỡng “theo luật tị nạn trong nước và quốc tế”.

Điều đáng chú ý là quy trình tái định cư này không có sự tham gia của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Điều này cho thấy nhóm người Afrikaner da trắng đã được “đi tắt đón đầu” một cách chưa từng có so với các nhóm tị nạn khác. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jeanne Shaheen mô tả việc tái định cư này là “khó hiểu”, đặc biệt khi hàng ngàn người xin tị nạn hợp pháp từ các quốc gia khác đang bị đình chỉ vô thời hạn.

Khi được hỏi trực tiếp hôm thứ Hai về lý do đơn xin tị nạn của người Afrikaner được đẩy nhanh hơn các nhóm khác, Tổng Thống Trump tuyên bố đang có một cuộc “diệt chủng” và “nông dân da trắng” đang bị nhắm mục tiêu cụ thể. Ông nói thêm: “Nông dân đang bị giết, họ tình cờ là người da trắng, nhưng việc họ là người da trắng hay da đen không tạo ra sự khác biệt nào đối với tôi”.

Mỹ cũng chỉ trích chính sách nội bộ của Nam Phi, cáo buộc chính phủ nước này tịch thu đất của nông dân da trắng mà không bồi thường – điều mà Nam Phi phủ nhận là chưa xảy ra. Một trong những cố vấn thân cận của Tổng Thống Trump, Elon Musk (người gốc Nam Phi), trước đây cũng từng nói có “cuộc diệt chủng người da trắng” ở Nam Phi và cáo buộc chính phủ ban hành “luật sở hữu phân biệt chủng tộc”.

Tuy nhiên, các tuyên bố về “diệt chủng người da trắng” đã bị bác bỏ rộng rãi. Số liệu từ cảnh sát Nam Phi cho thấy, trong năm 2024, có 44 vụ giết người được ghi nhận tại các trang trại và đất nông nghiệp nhỏ, trong đó có 8 nông dân bị thiệt mạng. Nam Phi không công bố số liệu thống kê tội phạm theo chủng tộc, nhưng đa số nông dân của nước này là người da trắng, trong khi những người khác sống trên trang trại, như công nhân, chủ yếu là người da đen.

Theo BBC News, tác giả người Afrikaner Max du Preez nói với đài BBC rằng các cáo buộc đàn áp người Nam Phi da trắng là “hoàn toàn phi lý” và “không có cơ sở”. Ông nói thêm rằng người Nam Phi “sững sờ” trước kế hoạch tái định cư này và cho rằng nó liên quan nhiều hơn đến “chính trị nội bộ” ở Mỹ hơn là tình hình tại Nam Phi.

Căng thẳng song phương giữa Mỹ và Nam Phi đã kéo dài một thời gian. Tổng Thống Trump đã giao cho chính quyền của mình xây dựng kế hoạch khả thi để tái định cư người Afrikaner tại Mỹ. Hồi tháng 3, đại sứ Nam Phi tại Mỹ, Ebrahim Rasool, đã bị trục xuất sau khi cáo buộc Tổng Thống Trump sử dụng “nạn nhân da trắng như một tín hiệu kích động”, dẫn đến việc Mỹ cáo buộc ông Rasool “kích động thù địch chủng tộc”.

Mỹ cũng chỉ trích Nam Phi vì lập trường “quyết liệt” chống lại Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), nơi Pretoria cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu phạm tội diệt chủng đối với người dân ở Gaza – cáo buộc mà Israel bác bỏ mạnh mẽ.

Nhóm người Nam Phi da trắng này, gồm 49 người, đã hạ cánh xuống Washington DC vào cuối ngày thứ Hai, trước khi tiếp tục di chuyển đến Texas. Người Nam Phi da trắng chỉ chiếm 7.3% dân số, nhưng sở hữu phần lớn đất nông nghiệp tư nhân, theo báo cáo của chính phủ năm 2017. Hồi tháng 1, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã ký một luật gây tranh cãi cho phép chính phủ tịch thu đất tư nhân mà không bồi thường trong một số trường hợp nhất định, khi được coi là “công bằng và vì lợi ích công cộng”. Đã có sự tức giận ở Nam Phi về tốc độ chậm chạp của cải cách ruộng đất trong ba thập kỷ kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc apartheid kết thúc.

Việc Tổng Thống Trump sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn Afrikaner diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang siết chặt chính sách đối với người di cư và xin tị nạn từ các quốc gia khác.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú