Nhóm người da trắng Nam Phi đầu tiên đến Mỹ sau khi Trump đề nghị tị nạn

Một nhóm 49 người da trắng gốc Nam Phi (Afrikaners) vừa rời quê nhà để đến Mỹ trên một chuyến bay thuê bao riêng, sau khi được chính quyền Tổng Thống Donald Trump cấp quy chế tị nạn theo một chương trình mới công bố hồi tháng 2.

Nhóm này, bao gồm cả các gia đình và trẻ nhỏ, dự kiến hạ cánh tại sân bay Quốc tế Dulles bên ngoài Washington vào sáng thứ Hai (giờ địa phương), theo xác nhận từ Bộ Giao thông Vận tải Nam Phi. Đây là những người Afrikaners đầu tiên được tái định cư theo sắc lệnh hành pháp của Tổng Thống Trump, trong đó cáo buộc chính phủ Nam Phi do người da đen lãnh đạo phân biệt chủng tộc với họ và công bố chương trình tiếp nhận tị nạn.

Phía chính phủ Nam Phi đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc này, khẳng định việc cho rằng người Afrikaners bị đàn áp là “hoàn toàn sai sự thật”.

Trong khi nhiều chương trình tị nạn khác bị tạm dừng hoặc làm chậm lại, chính quyền Tổng Thống Trump đã đẩy nhanh hồ sơ cho nhóm người Nam Phi này. Điều này khiến các tổ chức hỗ trợ người tị nạn đặt câu hỏi về sự ưu tiên này, đặc biệt khi việc xét duyệt quy chế tị nạn ở Mỹ thường mất nhiều năm.

Chính quyền Mỹ cho rằng Nam Phi đang theo đuổi các chính sách phân biệt chủng tộc, chống người da trắng thông qua luật ưu đãi và luật trưng thu đất đai mới mà họ nói là nhắm vào đất đai của người Afrikaners. Tuy nhiên, chính phủ Nam Phi phản bác, cho rằng những tuyên bố này dựa trên thông tin sai lệch, không có nạn phân biệt chủng tộc chống lại người Afrikaners và chưa có đất đai nào bị trưng thu, dù luật gây tranh cãi đã được thông qua.

Nam Phi cũng phủ nhận cáo buộc của Mỹ về việc người Afrikaners bị nhắm mục tiêu trong các cuộc tấn công do phân biệt chủng tộc ở một số vùng nông thôn. Thay vào đó, họ cho rằng người Afrikaners, hậu duệ của những người định cư Hà Lan và Pháp, “nằm trong số những người có đặc quyền kinh tế nhất” tại quốc gia này.

Chuyến bay chở nhóm người tị nạn Afrikaners đầu tiên này được khai thác bởi hãng hàng không Omni Air International. Họ khởi hành từ sân bay OR Tambo ở Johannesburg và được cảnh sát, nhân viên sân bay hỗ trợ làm thủ tục. Phía Nam Phi cho biết họ không ngăn cản việc rời đi vì tôn trọng quyền tự do lựa chọn, dù không thấy lý do chính đáng cho việc tái định cư này.

Tại sân bay Dulles, nhóm người này dự kiến được đón tiếp bởi một phái đoàn chính phủ Mỹ, bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao và các quan chức từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS), cơ quan phụ trách tái định cư người tị nạn.

Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Stephen Miller cho biết chuyến bay này là bước đầu trong một “nỗ lực tái định cư quy mô lớn hơn nhiều”. Ông Miller nhấn mạnh rằng tình hình của người Afrikaners ở Nam Phi “phù hợp với định nghĩa sách giáo khoa về lý do chương trình tị nạn được tạo ra”, gọi đó là “sự đàn áp dựa trên đặc điểm được bảo vệ – trong trường hợp này là chủng tộc”.

Văn phòng Tái định cư Người tị nạn của HHS đã chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ nhóm người này về nhà ở, đồ đạc, nhu yếu phẩm và các chi phí khác. Một tài liệu nội bộ cho thấy việc tái định cư người Afrikaners là “ưu tiên đã nêu của Chính quyền”.

Khoảng 2.7 triệu người Afrikaners sống trong tổng dân số 62 triệu của Nam Phi, nơi hơn 80% là người da đen. Họ chỉ là một phần của cộng đồng thiểu số da trắng. Nhiều người ở Nam Phi tỏ ra bối rối trước những tuyên bố rằng người Afrikaners bị đàn áp và đủ điều kiện để được tái định cư như người tị nạn. Họ là một phần của đời sống đa sắc tộc hàng ngày ở Nam Phi, với nhiều doanh nhân thành đạt và một số người thậm chí còn phục vụ trong chính phủ với vai trò bộ trưởng, thứ trưởng. Ngôn ngữ của họ được sử dụng rộng rãi và công nhận là ngôn ngữ chính thức, các nhà thờ và tổ chức văn hóa Afrikaner có vị trí nổi bật ở hầu hết các thành phố.

Theo nguồn tin ABC News ngày 11/05/2025, chính quyền Tổng Thống Trump đã chỉ trích Nam Phi trên nhiều phương diện. Sắc lệnh hành pháp tháng 2 của Tổng Thống Trump đã cắt toàn bộ viện trợ của Mỹ cho Nam Phi với lý do nước này có lập trường chống người da trắng và theo đuổi chính sách đối ngoại chống Mỹ. Sắc lệnh dẫn chứng mối quan hệ của Nam Phi với Iran và việc họ đệ đơn kiện Israel, đồng minh của Mỹ, ra tòa án quốc tế về cuộc chiến ở Gaza như những ví dụ về việc Nam Phi có “lập trường hung hăng đối với Hoa Kỳ”.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU