Ngày càng có nhiều khách hàng của Klarna gặp khó khăn trong việc trả các khoản vay ‘mua ngay, trả sau’ (BNPL), theo thông tin từ Associated Press. Tình trạng này trùng khớp với các báo cáo từ Bankrate và LendingTree, cho thấy số lượng người dùng BNPL bị chậm thanh toán đang tăng lên.
Tình trạng thanh toán trễ hạn là dấu hiệu cho thấy sức khỏe tài chính của một bộ phận dân số Hoa Kỳ đang suy giảm, trong bối cảnh tổng nợ tiêu dùng của quốc gia tăng lên mức kỷ lục 18.2 nghìn tỷ đô la. Thêm vào đó, chính quyền Tổng Thống Trump đang ráo riết thu hồi các khoản vay sinh viên liên bang.
Người mua sắm chọn hình thức BNPL thường trẻ tuổi hơn so với người tiêu dùng trung bình. Một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy phụ nữ da màu gốc Phi và gốc Hispanic có xu hướng sử dụng các gói trả chậm này nhiều hơn. Tuy nhiên, hình thức này ngày càng phổ biến với mọi đối tượng, không phân biệt thu nhập.
Khi Klarna mở rộng cơ sở người dùng và doanh thu, công ty Thụy Điển này cho biết số tiền tổn thất tín dụng tiêu dùng trong quý đầu tiên đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 136 triệu đô la. Mặc dù vậy, Klarna cho rằng họ “không thấy dấu hiệu nào cho thấy người tiêu dùng Hoa Kỳ đang suy yếu”.
Các gói ‘mua ngay, trả sau’ thường cho phép người tiêu dùng chia nhỏ các khoản thanh toán thành bốn đợt hoặc ít hơn, thường kèm theo một khoản trả trước. Các khoản vay này thường được quảng cáo là không lãi suất và hầu hết không yêu cầu kiểm tra tín dụng hoặc chỉ kiểm tra nhẹ.
Sự phổ biến của các gói trả chậm và sự đa dạng trong cách sử dụng của chúng đã thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều người đã bày tỏ sự hoài nghi khi biết rằng một nửa số người tham dự Coachella đã sử dụng các gói trả góp để chi trả vé tham dự lễ hội âm nhạc này. Thậm chí, có ý kiến cho rằng người Mỹ đang vay tiền để mua đồ ăn mang đi.
Một báo cáo cho biết khoảng 40% người dùng BNPL đã thanh toán trễ hạn trong năm qua, tăng so với năm ngoái. Khoảng 1/4 người dùng chọn hình thức này vì nó dễ tiếp cận hơn so với thẻ tín dụng truyền thống. Sáu nhà cung cấp BNPL lớn nhất đã giải ngân khoảng 277.3 triệu khoản vay, trị giá 33.8 tỷ đô la vào năm 2022.
Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) cho biết họ không có ý định thực thi một quy định thời chính quyền Biden nhằm tăng cường giám sát các công ty cho vay fintech. Chính quyền Tổng Thống Trump cho biết quyết định này nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ người nộp thuế và giải quyết các mối đe dọa cấp bách hơn đối với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, các nhà bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, việc thiếu sự giám sát liên bang sẽ khiến khách hàng gặp khó khăn hơn trong việc đòi bồi thường hoặc tìm kiếm thông tin rõ ràng về phí và lãi suất BNPL.
Rủi ro lớn nhất của BNPL là người tiêu dùng vay những khoản tiền họ không có khả năng trả. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng tình hình tài chính của người tiêu dùng đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, do chi phí thực phẩm, thuê nhà và các mặt hàng khác liên tục tăng cao.
Theo Associated Press.