Nepal tưởng niệm 10 năm trận động đất kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người

Theo ABC News, Nepal vừa kỷ niệm 10 năm trận động đất kinh hoàng năm 2015 bằng một buổi lễ tưởng niệm với sự tham gia của các quan chức hàng đầu, những người đã cam kết sẽ chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với các thảm họa trong tương lai.

Vào đúng 11:56 sáng, thời điểm xảy ra trận động đất ngày 25 tháng 4 năm 2015, Thủ tướng Khadga Prasad Oli, các bộ trưởng hàng đầu, quan chức và nhà ngoại giao đã đứng lên và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người thiệt mạng tại địa điểm của một tòa tháp bị sập, vùi lấp 180 người.

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người, làm bị thương hơn 22.000 người và phá hủy khoảng 1 triệu ngôi nhà và tòa nhà.

Thủ tướng Oli cho biết: “Đã có một sự mất mát lớn về cả người và của, nhưng chúng tôi đã có thể phục hồi và tái thiết thành công. Nepal đã cho thấy khả năng phục hồi của mình”.

Cùng với Thủ tướng Oli còn có các bộ trưởng và nhà ngoại giao từ các quốc gia đã giúp Nepal trong công tác cứu hộ, phục hồi và tái thiết sau này, đã thắp nến để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong thảm họa.

Ông Oli nói: “Chúng tôi không thể tự mình làm tất cả những điều đó. Chúng tôi muốn cảm ơn tất cả các quốc gia và cơ quan đối tác đã hỗ trợ chúng tôi”.

Khoảng 80% công trình bị hư hại do trận động đất đã được xây dựng lại, với gần như tất cả các trường học và tòa nhà công cộng được nâng cấp lên các tiêu chuẩn an toàn mới, theo Anil Pokhrel, người đứng đầu Cơ quan Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia trong nhiều năm cho đến khi ông nghỉ hưu vào tháng trước.

Có tới 95% số nhà bị hư hại ở khu vực nông thôn đã được xây dựng lại, trong khi ở khu vực thành thị thì ít hơn, chủ yếu là do các vấn đề như tranh chấp về quyền sở hữu hoặc kế hoạch xây dựng lại.

Các gia đình đã được nhận 3.000 đô la để tái thiết nhà cửa và các văn phòng đã được chính phủ thành lập ở tất cả các quận, nơi có các kỹ sư và chuyên gia để giúp họ xây dựng lại.

Ông Pokhrel nói: “Công cuộc tái thiết của Nepal, với thời gian, quy mô và quy trình đã trải qua, cùng với việc hợp tác với các đối tác phát triển, thực sự được coi là một trong những kinh nghiệm phục hồi và tái thiết mẫu mực”.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU

Đức Giáo hoàng Francis


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú