Theo thông tin từ hãng tin AP, các chương trình viện trợ của chính quyền Tổng Thống Donald Trump đã khiến hơn 8.000 nhân viên y tế thuộc chương trình HIV quốc gia của Nam Phi mất việc.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi, ông Aaron Motsoaledi cho biết việc cắt giảm tài trợ từ USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) đã khiến 12 phòng khám HIV chuyên biệt do các tổ chức phi chính phủ điều hành tại Nam Phi phải đóng cửa. Các phòng khám này được tài trợ thông qua Kế hoạch Cứu trợ AIDS Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR).
Hiện tại, cơ quan y tế đang đăng ký hơn 60.000 bệnh nhân từng được các phòng khám này phục vụ vào các cơ sở y tế của nhà nước để tiếp tục điều trị.
Nam Phi hiện có gần sáu triệu người đang điều trị HIV, con số này cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Các phòng khám bị cắt giảm tài trợ chủ yếu điều trị cho các nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV, bao gồm người đồng tính nam và gái mại dâm.
Ông Motsoaledi cho biết chính quyền Tổng Thống Trump đã cắt giảm khoảng 436 triệu đô la tài trợ hàng năm cho điều trị và phòng ngừa HIV ở Nam Phi.
Xét nghiệm tải lượng virus – đo lượng virus HIV trong máu của bệnh nhân điều trị – đã giảm 21% kể từ khi việc cắt giảm viện trợ có hiệu lực vào tháng Hai.
Người đứng đầu cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc cho biết số ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu có thể tăng hơn sáu lần vào năm 2029 do việc cắt giảm tài trợ.
Ông Motsoaledi khẳng định chương trình quốc gia của Nam Phi không bên bờ vực sụp đổ, nhưng thừa nhận những khó khăn như thiếu nhân sự, thiếu kinh phí và khó khăn trong việc tìm kiếm những người dương tính với HIV cần điều trị.
Việc Tổng Thống Trump cắt giảm hơn 90% viện trợ nước ngoài thông qua USAID đã làm suy yếu nỗ lực gần 20 năm nhằm ngăn chặn tử vong do HIV ở quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi căn bệnh này.
Theo số liệu của cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc, Nam Phi có khoảng 7,7 triệu người nhiễm HIV. Không phải tất cả đều được điều trị mặc dù việc điều trị là miễn phí.
8.061 nhân viên y tế mất việc chiếm hơn một nửa số nhân viên y tế do USAID tài trợ thông qua PEPFAR.
Mặc dù Nam Phi vẫn nhận được viện trợ từ các tổ chức như Quỹ Toàn cầu, ông Motsoaledi cho biết chính phủ đang vận động các chính phủ và cơ quan viện trợ khác để được hỗ trợ.
Nguồn: tin từ hãng AP.