Mỹ: Quan Chức Phản Bác Phán Quyết Tòa Án Về Vụ Trục Xuất Di Dân Tội Phạm

Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ (DHS) vừa lên tiếng chỉ trích một thẩm phán liên bang, một ngày sau khi ông này ra lệnh cho các quan chức Mỹ phải giữ quyền giám hộ đối với những di dân mà hồ sơ tòa án cho rằng đã được đưa lên máy bay trục xuất đến Nam Sudan.

DHS cho biết họ đang tìm cách trục xuất tám “quái vật man rợ độc nhất vô nhị”, tất cả đều đã bị kết án về các tội danh nghiêm trọng bao gồm giết người, cưỡng hiếp và bắt cóc. Tuy nhiên, phát ngôn viên DHS, Tricia McLaughlin, nói với báo chí rằng Nam Sudan không phải là điểm đến cuối cùng của những di dân này.

Trước đó vào Thứ Ba, Thẩm phán Brian Murphy cho biết chính phủ có thể bị xem là coi thường tòa án vì dường như bất chấp lệnh của ông, yêu cầu cho phép di dân có cơ hội phản đối việc trục xuất đến các quốc gia thứ ba.

Bà McLaughlin nhấn mạnh vào Thứ Tư rằng: “Mỗi người trong số họ đều bị kết án về một tội ác tàn bạo: giết người, cưỡng hiếp, lạm dụng trẻ em, cưỡng hiếp nạn nhân bị khuyết tật về tinh thần và thể chất.” Bà nói thêm rằng việc “một thẩm phán Hoa Kỳ cố gắng quyết định chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ là điều vô lý.”

Giám đốc Cơ Quan Thực Thi Di Trú và Hải Quan (ICE), Todd Lyons, cho biết: “Nếu chúng tôi không có quốc gia nào chấp nhận công dân của họ quay về, chúng tôi có lựa chọn tìm một quốc gia thứ ba an toàn.” Quan chức không nêu rõ điểm đến cuối cùng có thể là đâu.

Thẩm phán Murphy đã đưa ra phán quyết vào ngày 18 tháng 4, yêu cầu di dân bất hợp pháp phải có “cơ hội có ý nghĩa” để phản đối việc bị đưa đến các quốc gia không phải quê hương của họ. Một phiên điều trần khác về vụ việc này dự kiến diễn ra vào chiều Thứ Tư, nơi các luật sư di trú tìm kiếm lệnh khẩn cấp để ngăn chặn việc trục xuất.

Tại phiên điều trần hôm Thứ Ba, thẩm phán đã không ra lệnh máy bay quay về Mỹ, nhưng nói rằng các di dân phải ở lại trong quyền giám hộ của chính phủ và được “đối xử nhân đạo.”

Được biết, chính quyền của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề nghị một số quốc gia chấp nhận các trường hợp di dân bị trục xuất. Rwanda đã xác nhận đang đàm phán với Mỹ, trong khi Benin, Angola, Equatorial Guinea, Eswatini và Moldova cũng được truyền thông đề cập là những quốc gia được hỏi. (Theo BBC News)


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú