Hoa Kỳ từng là quốc gia đi đầu ủng hộ Nam Sudan tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, theo tin tức gần đây, Mỹ đang bị chất vấn về việc bị cáo buộc âm thầm trục xuất di dân từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam và Cuba, đến Nam Sudan – một đất nước nghèo khó và đang đối mặt với nguy cơ tái diễn nội chiến.
Vụ việc nghiêm trọng đến mức một thẩm phán Hoa Kỳ đã ra lệnh yêu cầu các quan chức chính quyền Tổng Thống Donald Trump phải ra điều trần khẩn cấp vào ngày thứ Tư vừa qua để làm rõ vấn đề này.
Nếu thông tin trên được xác nhận, điều đó có nghĩa là những người di dân từ những quốc gia xa xôi như Việt Nam đang bị đưa đến một nơi mà họ không hề có bất kỳ mối liên hệ nào. Ngay cả Việt Nam cũng không có đại sứ quán nào gần Nam Sudan để hỗ trợ công dân.
Trước cáo buộc này, phát ngôn viên cảnh sát Nam Sudan, Thiếu tướng James Monday Enoka, nói với ABC News rằng chưa có bất kỳ di dân nào từ Mỹ đến nước này. Ông cho biết thêm nếu có, họ sẽ được điều tra và “tái trục xuất về đúng quốc gia của họ” nếu không phải là công dân Nam Sudan.
Thời gian qua, chính quyền Tổng Thống Donald Trump cũng đã thu hồi visa của toàn bộ công dân Nam Sudan, với lý do chính phủ nước này không tiếp nhận công dân của họ bị Mỹ trục xuất “một cách kịp thời”. Dù Nam Sudan ban đầu phản đối, họ sau đó đã đồng ý tiếp nhận người được đề cập “trong tinh thần duy trì quan hệ hữu nghị” với Mỹ.
Nam Sudan, dù giàu tài nguyên dầu mỏ, đã chật vật cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân kể từ khi độc lập năm 2011. Nhiều năm xung đột đã khiến nước này phụ thuộc nặng nề vào viện trợ nước ngoài, vốn đã bị cắt giảm mạnh dưới chính quyền Tổng Thống Trump.
Chỉ hai năm sau độc lập, niềm hân hoan đã tan biến khi nội chiến bùng nổ năm 2013 do mâu thuẫn giữa phe ủng hộ Tổng Thống Salva Kiir và phe phó Tổng Thống Riek Machar. Xung đột kéo dài 5 năm đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Thỏa thuận hòa bình năm 2018 rất mong manh và chưa được thực thi đầy đủ.
Tình hình căng thẳng leo thang gần đây khi Machar bị bắt giữ và các cuộc tấn công xảy ra. Đảng đối lập của ông đã tuyên bố thỏa thuận hòa bình coi như chấm dứt. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng tình hình hiện tại “gợi nhớ đáng sợ đến các cuộc nội chiến năm 2013 và 2016, vốn đã giết chết 400,000 người”.
Một số nước phương Tây đã đóng cửa đại sứ quán, trong khi Mỹ và các nước khác giảm bớt nhân viên. Cảnh báo du lịch của Đại sứ quán Mỹ nêu rõ “tội phạm bạo lực, như cướp xe, xả súng, phục kích, hành hung, cướp bóc và bắt cóc, diễn ra phổ biến khắp Nam Sudan, bao gồm cả thủ đô Juba”.
Áp lực từ chính quyền Tổng Thống Donald Trump buộc Nam Sudan tiếp nhận người bị trục xuất, kể cả người nước ngoài, đối lập hoàn toàn với sự ủng hộ nồng nhiệt mà Washington từng dành cho các lãnh đạo phiến quân Nam Sudan trong cuộc chiến giành độc lập.
Nam Sudan cũng phải đối mặt với các thảm họa khí hậu như lũ lụt, gây ra tình trạng di dời hàng loạt và đóng cửa trường học. Hệ thống y tế và giáo dục của nước này thuộc hàng yếu kém nhất thế giới, và các tổ chức viện trợ đã đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ. Tham nhũng tràn lan khiến nguồn thu từ dầu mỏ không đến tay người dân, và công chức đôi khi không được trả lương trong nhiều tháng.
Việc Nam Sudan, một quốc gia với quá nhiều khó khăn và bất ổn, có khả năng tiếp nhận những người di dân bị Mỹ đưa đến hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải.
Theo ABC News.