Các dịch vụ “mua trước trả sau” (Buy Now, Pay Later – BNPL) đang ngày càng phổ biến, nhưng nhiều người dùng đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ. Klarna, một trong những cái tên lớn trong lĩnh vực này, vừa báo cáo khoản lỗ ròng tăng gấp đôi trong quý đầu năm, với khoản nợ khó đòi từ người dùng tăng 17%, lên tới 136 triệu USD.
Tình hình này không chỉ riêng Klarna. Một khảo sát gần đây của LendingTree cho thấy 41% người dùng BNPL thừa nhận đã thanh toán trễ ít nhất một lần trong năm qua, tăng từ 34% của năm trước. Đáng chú ý, có tới 25% người dùng BNPL sử dụng dịch vụ này để mua cả những nhu yếu phẩm hàng ngày như thực phẩm, con số này trước đây chỉ là 14%.
Sự căng thẳng về nợ trong nhóm người dùng BNPL phản ánh bức tranh tài chính khó khăn hơn của các hộ gia đình Mỹ nói chung. Theo Cục Dự trữ Liên bang New York, tổng nợ tiêu dùng tại Mỹ đã tăng thêm 167 tỷ USD trong quý I, đạt mức kỷ lục 18.2 ngàn tỷ USD. Dù nợ thẻ tín dụng và nợ vay mua xe có giảm nhẹ theo mùa, nhưng nợ sinh viên lại tăng vọt tỷ lệ nợ quá hạn từ dưới 1% lên hơn 8%.
Điều này xảy ra trong bối cảnh Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump siết chặt việc thu nợ sinh viên liên bang, vốn đã tạm dừng trước đó.
Mặc dù gặp khó khăn, các dịch vụ BNPL vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi, len lỏi vào nhiều ngóc ngách của đời sống tiêu dùng. Klarna gần đây đã ký thỏa thuận hợp tác độc quyền với Walmart và bắt tay với dịch vụ giao đồ ăn DoorDash, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận tín dụng tức thời ngay cả cho các khoản mua sắm nhỏ.
Đại diện của Klarna cho rằng mức tăng 17% nợ khó đòi chưa nói lên nhiều điều về sức khỏe tài chính người tiêu dùng Mỹ, và chỉ ra rằng tỷ lệ nợ khó đòi so với tổng giá trị giao dịch chỉ tăng nhẹ từ 0.51% lên 0.54%.
Trong khi đó, chính quyền Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump lại đang nới lỏng việc giám sát các dịch vụ BNPL. Đầu tháng này, Cục Bảo vệ Tài chính Tiêu dùng (CFPB) đã ngừng áp dụng một quy định trước đây coi BNPL tương tự như thẻ tín dụng, điều này đã yêu cầu các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng nghiêm ngặt hơn về công bố thông tin, xử lý tranh chấp và hoàn tiền. Một số chuyên gia tài chính tiêu dùng lo ngại việc nới lỏng này có thể khiến người tiêu dùng đối mặt với nhiều rủi ro hơn, đặc biệt là khi Giám đốc CFPB trước đó đã bị sa thải vào tháng Hai.
Nhiều người tiêu dùng đang tìm cách cắt giảm chi tiêu khi giá cả vẫn tăng cao. Tuy nhiên, mức tăng chi tiêu bình quân của hộ gia đình vẫn cao hơn đáng kể so với thời điểm trước đại dịch, theo tin từ NBC News.