Các luật sư về vấn đề nhập cư vừa đệ trình lên tòa án ở Boston cáo buộc chính quyền Tổng Thống Donald Trump đã trục xuất trái phép hai người đàn ông gốc Á sang Nam Sudan.
Theo các luật sư, một chuyến bay chở khoảng chục người, bao gồm cả công dân Myanmar và Việt Nam, đã hạ cánh xuống Nam Sudan vào thứ Ba vừa qua. Một phán quyết trước đó của tòa án cấm chính phủ Hoa Kỳ trục xuất người di cư đến các quốc gia thứ ba mà không cho họ cơ hội để phản đối việc trục xuất này.
BBC đã liên hệ với Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ để yêu cầu bình luận về vụ việc. Nam Sudan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đang phải đối mặt với xung đột và bất ổn chính trị trong những năm gần đây.
Các luật sư từ Liên minh Kiện tụng Nhập cư Quốc gia (National Immigration Litigation Alliance) đã yêu cầu thẩm phán liên bang ban hành lệnh khẩn cấp để ngăn chặn việc trục xuất. Thẩm phán Brian Murphy trước đó đã ra phán quyết yêu cầu người di cư bất hợp pháp phải có cơ hội phản đối việc bị đưa đến các quốc gia không phải quê hương của họ.
Luật sư của một người đàn ông Myanmar cho biết thân chủ của họ không nói được nhiều tiếng Anh và đã từ chối ký thông báo trục xuất do các quan chức tại một trung tâm giam giữ nhập cư ở Texas đưa cho. Sáng thứ Ba, một luật sư đã gửi email cho trung tâm sau khi phát hiện thân chủ của cô không còn xuất hiện trên hệ thống định vị người bị giam giữ của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE). Cô được thông báo rằng anh ta đã bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ và điểm đến là Nam Sudan.
Các luật sư cho biết một khách hàng khác, một người đàn ông Việt Nam, “dường như cũng chung số phận” và “đang hoặc đã ở trên cùng chuyến bay” với người đàn ông đến từ Myanmar. Vợ của người đàn ông Việt Nam đã gửi email cho luật sư của anh và cho biết nhóm khoảng 10 người khác bị trục xuất bao gồm công dân Lào, Thái Lan, Pakistan và Mexico, theo hãng tin Reuters.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khuyến cáo công dân “không nên đến Nam Sudan do tội phạm, bắt cóc và xung đột vũ trang”.
Quốc gia trẻ nhất châu Phi này đã trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu ngay sau khi giành được độc lập vào năm 2011, theo BBC News.