Lạm phát tại Anh trong tháng 4/2025 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một năm qua, chủ yếu do hóa đơn sinh hoạt gia đình tăng mạnh như chi phí năng lượng và nước. Theo số liệu chính thức công bố hôm Thứ Tư (theo giờ Anh), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 3.5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với mức 2.6% của tháng Ba.
Mức tăng 3.5% là tỷ lệ lạm phát cao nhất mà Vương quốc Anh ghi nhận kể từ tháng 1/2024 và vượt dự báo của các chuyên gia kinh tế trước đó là khoảng 3.3%. Đây cũng là đợt tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2022, thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
Các nhà kinh tế đã dự đoán lạm phát sẽ tăng trong tháng Tư do nhiều chi phí cố định hàng năm tăng cao, cùng với tác động từ việc tăng thuế đối với doanh nghiệp và mức tăng đáng kể của lương tối thiểu.
Dự kiến, lạm phát sẽ duy trì ở mức trên 3% trong suốt phần còn lại của năm nay, điều này có thể khiến Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England) thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất thêm. Mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Trung ương Anh là 2%.
Thực tế, Huw Pill, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng, hôm Thứ Ba vừa qua đã bày tỏ lo ngại rằng lãi suất có thể đã bị cắt giảm quá nhanh, dấu hiệu cho thấy ông quan ngại về áp lực lạm phát cơ bản.
Kể từ tháng 8 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Anh đã bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất từ mức cao nhất trong 16 năm là 5.25%, thực hiện một cách từ từ mỗi ba tháng. Đầu tháng này, lãi suất chính đã được giảm xuống 4.25%.
Rob Wood, chuyên gia kinh tế trưởng về Anh tại Pantheon Macroeconomics, nhận định rằng việc cắt giảm lãi suất theo “lịch trình quý chính xác” giờ đây “khó có thể chắc chắn” sau thông tin lạm phát mới nhất.
Mặc dù lạm phát được dự báo sẽ cao hơn mục tiêu của ngân hàng trong năm nay, các chuyên gia vẫn kỳ vọng nó sẽ giảm vào năm sau, một phần nhờ thỏa thuận thương mại gần đây giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, trong đó nhiều loại thuế quan mà Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lên kế hoạch đã được dỡ bỏ.
Sự gia tăng mạnh của lạm phát là một thách thức đối với chính phủ Công Đảng (Labour) mới trở lại nắm quyền từ tháng 7 năm ngoái sau 14 năm. Trong những tuần gần đây, Công Đảng đã nhấn mạnh những gì họ coi là thành công kinh tế, bao gồm tăng trưởng quý đầu tiên cao hơn dự kiến và ba thỏa thuận thương mại quan trọng (với Mỹ, Ấn Độ và tái thiết lập quan hệ với EU sau Brexit). Tuy nhiên, áp lực lạm phát cao đã làm lu mờ những thành tích này.
Bà Rachel Reeves, Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ Công Đảng, bày tỏ sự thất vọng: “Tôi thất vọng với những số liệu này, bởi tôi biết áp lực chi phí sinh hoạt vẫn đang đè nặng lên người lao động.”
Đảng Bảo thủ (Conservative) đối lập, tiền thân của chính phủ hiện tại, đã đổ lỗi cho quyết định tăng gánh nặng thuế đối với doanh nghiệp của Bộ trưởng Tài chính Reeves.
Ông Mel Stride, phát ngôn viên kinh tế của Đảng Bảo thủ, gay gắt: “Các gia đình đang phải trả giá cho những lựa chọn của Bộ trưởng Tài chính Công Đảng.”
Tin từ The Associated Press.