Nguồn cung và khả năng chế biến các loại khoáng sản quan trọng, vốn cực kỳ cần thiết cho ngành năng lượng sạch và công nghệ hiện đại, đang ngày càng tập trung vào tay một số ít quốc gia trên thế giới, đáng chú ý nhất là Trung Quốc.
Theo một báo cáo mới đây từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris, xu hướng này khiến nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương trước các nguy cơ gián đoạn nguồn cung, từ đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp và làm tăng giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Báo cáo của IEA phân tích tình hình sẵn có của các loại khoáng sản và kim loại mà tuy số lượng có thể không nhiều, nhưng lại có tác động khổng lồ đến quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện và năng lượng tái tạo.
Cụ thể, đối với các loại khoáng sản như đồng, lithium, cobalt, graphite và các nguyên tố đất hiếm, tỷ lệ thị phần trung bình của ba quốc gia sản xuất hàng đầu đã tăng từ 82% năm 2020 lên 86% vào năm 2024. Trung Quốc nổi lên là nước tinh chế hàng đầu cho 19 trong số 20 loại khoáng sản chiến lược được IEA nghiên cứu, chiếm thị phần trung bình khoảng 75%.
Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, nhận định: “Chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng có thể rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc nguồn cung, dù là do thời tiết khắc nghiệt, lỗi kỹ thuật hay gián đoạn thương mại. Tác động của một cú sốc nguồn cung có thể lan rộng, khiến giá cả tăng cao cho người tiêu dùng và làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp.” Ông Birol so sánh nguy cơ này với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt hay tình trạng thiếu chip máy tính toàn cầu trong và sau đại dịch COVID-19. “Quy tắc vàng của an ninh năng lượng là đa dạng hóa,” ông Birol nhấn mạnh, “Và điều này không chỉ giới hạn ở an ninh năng lượng, mà còn là an ninh kinh tế.”
Trước tình hình này, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã biến việc giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các nguồn khoáng sản quan trọng từ nước ngoài thành một trọng tâm cốt lõi trong chương trình nghị sự an ninh quốc gia và phục hồi kinh tế của mình. Các động thái này bao gồm việc thúc đẩy sản xuất trong nước, đẩy nhanh cấp phép cho các mỏ mới, tìm kiếm các nguồn cung thay thế ở nước ngoài (như thỏa thuận với Ukraine, xem xét đề xuất từ Congo), và thậm chí cả việc đẩy mạnh khai thác khoáng sản dưới đáy biển sâu.
Mặc dù các thị trường toàn cầu hiện tại được cung cấp đầy đủ và giá cả nhìn chung đã giảm, IEA cảnh báo rằng sản lượng đồng theo kế hoạch sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu và dự đoán mức thiếu hụt 30% vào năm 2030.
Theo ABC News.