Ai trong chúng ta cũng thích mua đồ giảm giá để tiết kiệm chi tiêu, đặc biệt trong thời buổi giá cả leo thang. Nhưng sẽ ra sao nếu món hàng bạn chọn tưởng được “sale” mà lúc trả tiền lại bị tính giá gốc?
Theo một cuộc điều tra mới đây của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Consumer Reports, cùng với báo The Guardian và Mạng lưới Phóng sự về Thực phẩm & Môi trường (FERN), nhiều khách hàng của chuỗi siêu thị lớn nhất nước Mỹ – Kroger – có thể đã và đang gặp phải tình trạng này. Cụ thể, họ bị tính giá đầy đủ cho các sản phẩm như thịt, rau củ, nước trái cây, gạo, và cả đồ uống có cồn, trong khi các sản phẩm này được dán nhãn là đang có chương trình khuyến mãi.
Cuộc điều tra được khởi xướng sau khi các nhân viên Kroger tại Colorado tố cáo rằng tình trạng sai lệch giá này đã xảy ra từ nhiều năm trước và công ty hoàn toàn biết rõ. Kroger cũng từng vướng vào nhiều lùm xùm tương tự, từ các cuộc kiểm tra của tiểu bang cho đến các vụ kiện tập thể từ khách hàng ở nhiều bang như California, Illinois, Ohio và Utah.
Để kiểm chứng, Consumer Reports đã nhờ 26 người mua sắm tại các cửa hàng thuộc hệ thống Kroger (gồm cả Harris Teeter, Fred Meyer, Fry’s, Ralphs) tại 14 tiểu bang và thủ đô Washington D.C. trong ba tháng 3, 4 và 5. Kết quả thật bất ngờ: Họ tìm thấy hơn 150 mặt hàng bị tính giá sai vì các nhãn giảm giá trên kệ đã hết hạn mà chưa được gỡ bỏ.
Danh sách các mặt hàng bị tính sai rất đa dạng, từ ngũ cốc Cheerios, thuốc cảm Mucinex, cà phê hòa tan Nescafé, cho đến thịt bò, cá hồi và thức ăn cho chó. Điều đáng nói là một phần ba số nhãn hết hạn đã tồn tại ít nhất 10 ngày, và có đến 5 sản phẩm có nhãn giảm giá “quá đát” đến hơn 90 ngày!
Bình quân, mỗi mặt hàng bị tính giá cao hơn khoảng 1.70 USD, tương đương mức tăng 18.4% so với giá khuyến mãi. Điều này cho thấy, khách hàng cứ ngỡ mình mua được hàng tốt giá hời, nhưng thực tế lại phải trả thêm tiền một cách không hay biết.
Trước những phát hiện này, đại diện của Kroger đã lên tiếng khẳng định họ “cam kết định giá phải chăng và chính xác” và thường xuyên kiểm tra giá tại hàng triệu mặt hàng mỗi tuần. Công ty cho rằng các lỗi được nêu chỉ là “vài chục trường hợp trong suốt nhiều năm” so với hàng tỷ giao dịch, và phủ nhận việc vấn đề này diễn ra rộng rãi.
Thông tin được tổng hợp từ Consumer Reports và KPRC Click2Houston.