Tổng Thống Donald Trump vừa ký một sắc lệnh hành pháp quan trọng, nhằm mục tiêu giảm giá thuốc kê đơn tại Mỹ. Sắc lệnh này đề xuất liên kết giá thuốc ở Mỹ với mức giá thấp hơn thường được đàm phán ở các quốc gia khác, theo chính sách “quốc gia ưu đãi nhất”.
Theo đó, sắc lệnh yêu cầu các công ty dược tự nguyện hạ giá thuốc trong vòng 30 ngày, để Mỹ trả mức giá tương đương các nước giàu khác cho cùng loại thuốc. Đổi lại, Tòa Bạch Ốc sẽ hỗ trợ các công ty dược Mỹ trong việc đòi giá cao hơn từ các quốc gia khác.
Chính quyền cho biết, nếu các công ty dược không hợp tác, họ sẽ xem xét một loạt các biện pháp quản lý, dù chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố rõ ràng.
Tại một cuộc họp báo, Tổng Thống Trump gọi đây là “một trong những sắc lệnh hành pháp quan trọng nhất lịch sử đất nước”. Ông tuyên bố sắc lệnh có thể giúp giảm giá thuốc ở Mỹ tới 60%, 70%, thậm chí 90% và “cân bằng” giá thuốc trên toàn cầu.
“‘Các hãng dược lớn’ hoặc sẽ tuân thủ nguyên tắc này một cách tự nguyện, hoặc chúng tôi sẽ sử dụng quyền lực của chính phủ liên bang để đảm bảo rằng chúng ta đang trả cùng mức giá như các quốc gia khác,” Tổng Thống Trump nhấn mạnh.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết chính quyền sẽ mở đàm phán với các công ty dược vào tháng tới và có thể tiến tới ban hành quy định chính thức nếu không đạt được tiến bộ. Tuy nhiên, chưa rõ cơ sở pháp lý để áp dụng chính sách này cho thị trường bảo hiểm tư nhân, ngoài các chương trình của chính phủ như Medicare và Medicaid.
Sắc lệnh sẽ tập trung vào các loại thuốc đắt đỏ nhất, và có khả năng bao gồm cả các loại thuốc giảm cân đang rất phổ biến hiện nay. Chính quyền cũng sẽ thông báo mức giá mục tiêu cho các nhà sản xuất dược phẩm và chỉ đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) thiết lập cơ chế để bệnh nhân Mỹ có thể mua thuốc trực tiếp từ các hãng đồng ý hạ giá.
Quan điểm lâu nay của Tổng Thống Trump là Mỹ đang “trợ giá” cho các nước khác mà không nhận lại đủ. Ông đưa ra nhiều ví dụ về sự chênh lệch giá thuốc đáng kinh ngạc. Chẳng hạn, một loại thuốc điều trị ung thư vú có giá hơn 16.000 USD/chai ở Mỹ, nhưng chỉ bằng 1/6 giá đó ở Úc và 1/10 ở Thụy Điển, dù sản xuất từ cùng nhà máy. Thuốc hen suyễn phổ biến giá gần 500 USD ở Mỹ, nhưng chưa đến 40 USD ở Anh. Đặc biệt, thuốc giảm cân Ozempic đắt gấp 10 lần ở Mỹ so với phần còn lại của thế giới phát triển. “Chúng ta đã làm gì vậy? Thật ngốc nghếch,” ông nói.
Viện Cato, một tổ chức nghiên cứu theo chủ nghĩa tự do, đã lên tiếng ủng hộ sắc lệnh này, đặc biệt là việc giảm giá mà các chương trình như Medicare và Medicaid phải trả. Tuy nhiên, các công ty dược và ngành y tế lại phản đối, cho rằng việc hạ giá có thể ảnh hưởng đến khả năng nghiên cứu và phát triển thuốc mới.
Hiệp hội Nghiên cứu và Nhà sản xuất Dược phẩm Mỹ (PhRMA) cảnh báo rằng việc áp dụng giá nước ngoài “từ các quốc gia xã hội chủ nghĩa” sẽ là một thỏa thuận tồi cho bệnh nhân và người lao động Mỹ. Điều này có thể dẫn đến ít phương pháp điều trị và chữa bệnh hơn, đe dọa hàng trăm tỷ USD mà các công ty thành viên dự định đầu tư vào Mỹ, gây nguy hiểm cho việc làm, tổn hại nền kinh tế và khiến Mỹ phụ thuộc hơn vào Trung Quốc về thuốc đổi mới.
Đáp lại, chính quyền cho biết chính sách này sẽ đảm bảo chi phí được chia sẻ giữa nhiều quốc gia. “Vẫn sẽ có đủ tiền cho mục đích nghiên cứu và phát triển, chỉ là riêng Hoa Kỳ sẽ không phải gánh chịu toàn bộ chi phí đó,” một quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết, theo tin từ ABC News ngày 12/05/2025.
Đây không phải lần đầu Tổng Thống Trump cố gắng giảm giá thuốc. Năm 2020, trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền của ông cũng đã ban hành một quy định tạm thời áp dụng chính sách “quốc gia ưu đãi nhất” cho một số loại thuốc Medicare. Tuy nhiên, quy định này đã bị nhiều tòa án cấp quận chặn lại với lý do chính quyền đã không tuân thủ đúng quy trình ban hành.