Huấn luyện viên bơi lội Nigeria tiếp thêm nghị lực sống cho người khuyết tật

Tại Lagos, trung tâm kinh tế sầm uất của Nigeria, có một huấn luyện viên bơi lội đang thắp lên hy vọng và truyền cảm hứng sống cho những người khuyết tật. Đó là anh Emeka Chuks Nnadi với tổ chức phi lợi nhuận mang tên “Swim in 1 Day” (SID).

Trong một buổi chiều nóng bức, khoảng 20 em nhỏ, nhiều em bị khiếm thị, tập trung quanh hồ bơi. Huấn luyện viên Nnadi kiên nhẫn cầm tay từng em, hướng dẫn các động tác bơi cơ bản và dẫn các em đi trong nước. Đây là một trong những buổi học tại Trường Pacelli dành cho người mù và khiếm thị, nơi SID đang hoạt động.

Ở Nigeria, nơi hàng trăm người chết đuối mỗi năm do tai nạn thuyền bè hoặc tai nạn sinh hoạt, sáng kiến của Nnadi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đến nay, chương trình đã dạy bơi cho ít nhất 400 người khuyết tật, không chỉ trang bị kỹ năng sinh tồn mà còn giúp họ phát triển bản thân.

Fikayo Adodo, 14 tuổi, một học viên khiếm thị của Nnadi, chia sẻ: “Việc này giúp cháu rất nhiều, đặc biệt là ở lớp học. Cháu tự tin hơn khi nói chuyện trước đám đông. Đầu óc cháu cũng nhạy bén hơn rất nhiều.”

Tổ chức Y tế Thế giới coi đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do tai nạn không chủ ý trên toàn cầu, với ít nhất 300.000 người thiệt mạng mỗi năm, trong đó trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Tình hình càng tồi tệ hơn ở các quốc gia châu Phi như Nigeria, nơi nguồn lực và đào tạo còn hạn chế.

Đối với người khuyết tật ở Nigeria, thách thức còn lớn hơn nữa. Quốc gia hơn 200 triệu dân này có khoảng 35 triệu người khuyết tật, nhưng họ thường ít được tiếp cận các cơ hội và nguồn lực, cộng thêm sự kỳ thị của xã hội.

Huấn luyện viên Nnadi cho biết, sáng kiến của anh không chỉ nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước mà còn mang lại lợi ích rộng lớn hơn cho xã hội. Anh tin rằng, việc trao quyền cho người khuyết tật từ khi còn nhỏ sẽ giúp họ “đóng góp cho nền kinh tế chứ không chỉ phụ thuộc vào xã hội để chăm sóc”.

Nnadi kể lại, anh thành lập SID sau khi trở về Nigeria từ Tây Ban Nha vào năm 2022 và nhận thấy sự khác biệt lớn trong cách đối xử với người khuyết tật. Anh muốn thay đổi quan niệm “nhiều phụ huynh ở châu Phi cảm thấy xấu hổ về con cái khuyết tật của mình”. Anh muốn mọi người hiểu rằng “đứa con bị mù của bạn hoàn toàn có thể trở thành một siêu sao bơi lội, một luật sư hay một bác sĩ”.

Chứng kiến sự “biến đổi ngay trước mắt” của các học viên là điều khiến Nnadi cảm thấy ý nghĩa nhất. Dù một số em còn gặp khó khăn để giữ bình tĩnh và bơi trong nước, nhưng Nnadi cùng hai tình nguyện viên luôn kiên nhẫn hướng dẫn, khiến các em hào hứng muốn thử lại ngay lập tức.

Với nhiều em, bơi lội mang lại niềm vui, là kỹ năng sinh tồn, và là liệu pháp tinh thần. Các chuyên gia cũng xác nhận bơi lội có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, bên cạnh lợi ích thể chất từ việc tập luyện.

Ikenna Goodluck, 13 tuổi, một học viên khiếm thị khác, chia sẻ: “Bơi lội dạy cháu cách đối mặt với nỗi sợ hãi, cho cháu sự mạnh dạn, lòng can đảm, giúp cháu vượt qua những nỗi sợ.”

Bà Ejiro Justina Obinwanne, mẹ của một học viên, nhận xét về Nnadi: “Anh ấy là người vị tha và quyết tâm tạo ra điều gì đó ý nghĩa cho cuộc sống của những đứa trẻ mà thế giới đã phần nào lãng quên.”

Theo tin từ ABC News.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú