Những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine, vốn đã kéo dài sang năm thứ tư, đang tập trung sự chú ý vào Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, các cuộc đàm phán đã diễn ra ở nhiều nơi như Moscow, Kyiv, Washington, Riyadh (Ả Rập Xê Út) và khắp châu Âu.
Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine tại Istanbul. Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã thách thức ông Putin gặp mặt trực tiếp tại thành phố nối liền hai châu lục Á-Âu này.
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu ai sẽ tham gia đoàn đàm phán Nga hay liệu ông Putin có mặt hay không. Cố vấn tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, khẳng định Tổng thống Zelenskyy sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán với đích thân Tổng thống Putin.
Trước đó ít ngày, Tổng thống Zelenskyy đã tuyên bố rằng “nếu Putin không đến và chỉ chơi trò lừa bịp, thì đó là dấu chấm hết cho việc ông ta không muốn kết thúc chiến tranh”.
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Zelenskyy tổ chức cuộc gặp với các lãnh đạo châu Âu gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Các nhà lãnh đạo đã cùng đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn 30 ngày tại Ukraine bắt đầu từ ngày thứ Hai vừa qua.
Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ từ Liên minh châu Âu và cả Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người từng cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến trong chiến dịch tranh cử của mình. Các lãnh đạo phương Tây cũng cam kết sẽ tăng cường trừng phạt Nga nếu ông Putin không chấp nhận đề xuất.
Tuy nhiên, theo tin từ ABC News ngày 14/05/2025, Tổng thống Putin đã bác bỏ đề nghị ngừng bắn và thay vào đó đề xuất nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul “mà không kèm điều kiện tiên quyết”. Ông không nói rõ liệu cuộc gặp có ở cấp tổng thống hay chỉ là các quan chức cấp thấp hơn.
Phía Ukraine, Tổng thống Zelenskyy kiên quyết yêu cầu phải có lệnh ngừng bắn và khẳng định sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ông thách thức Tổng thống Putin: “Tôi sẽ đợi Putin ở (Thổ Nhĩ Kỳ) vào thứ Năm. Đích thân tôi. Tôi hy vọng lần này phía Nga sẽ không tìm cớ né tránh”.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, từ chối tiết lộ ai sẽ đại diện Nga tại Istanbul, chỉ nhấn mạnh rằng Tổng thống Putin đã nêu rõ lập trường của Nga.
Được biết, chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thúc đẩy các cuộc đàm phán riêng rẽ với Nga và Ukraine tại Ả Rập Xê Út vào tháng Ba. Dù từng có ý định rút lui nếu không có tiến triển, Tổng thống Trump gần đây tỏ ra lạc quan về các cuộc đàm phán sắp tới. Ông nói “có tiềm năng cho một cuộc gặp tốt đẹp” giữa ông Putin và ông Zelenskyy. Mặc dù Tổng thống Trump cân nhắc việc đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau đó cho biết Ngoại trưởng Marco Rubio và các quan chức Mỹ khác sẽ đại diện tham dự.
Về phía Ukraine, ông Podolyak tái khẳng định Tổng thống Zelenskyy sẽ chỉ gặp trực tiếp Tổng thống Putin ở Istanbul, nhấn mạnh rằng chỉ có ông Putin mới có thể đưa ra quyết định quan trọng về việc tiếp tục hay dừng chiến tranh.
Tổng thống Zelenskyy cho biết ông sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thủ đô Ankara trước, và đợi ở đó. Nếu ông Putin chọn Istanbul làm địa điểm gặp mặt, ông và Tổng thống Erdogan sẽ cùng đến đó. Ông cũng nhắc nhở rằng nếu ông Putin không xuất hiện, các lãnh đạo châu Âu và Mỹ nên thực hiện lời hứa áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga.
Điện Kremlin coi cuộc đàm phán vào thứ Năm như một sự “khởi động lại” các cuộc đàm phán hòa bình từng diễn ra ở Istanbul vào năm 2022 nhưng đã nhanh chóng đổ vỡ. Moscow đổ lỗi cho Ukraine và phương Tây, trong khi Kyiv cho rằng yêu sách của Nga lúc đó chỉ là tối hậu thư.
Tổng thống Zelenskyy kể lại yêu cầu của Nga năm 2022 gồm công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với vùng Donbas, sửa đổi hiến pháp để tuyên bố trung lập, giảm đáng kể lực lượng vũ trang Ukraine và giao nộp vũ khí tầm xa. Ông gọi đó là “tối hậu thư từ một kẻ sát nhân”. Phía Nga lại cáo buộc Ukraine phá bỏ một thỏa thuận hòa bình đã gần như được thống nhất.
Sau khi sáp nhập bất hợp pháp các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia vào tháng 9/2022, Nga đòi Ukraine công nhận “thực tế trên thực địa”, bao gồm cả việc cấm Ukraine gia nhập NATO và giảm mạnh quân đội, cùng với việc phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, Kyiv từ chối nhượng bộ bất kỳ phần lãnh thổ nào và yêu cầu các đảm bảo an ninh vững chắc chống lại sự xâm lược của Nga trong tương lai.
Đáng chú ý, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong nỗ lực ngoại giao chấm dứt chiến sự, từng phát biểu rằng Crimea “sẽ ở lại với Nga” và Ukraine khó có khả năng gia nhập NATO.
Trong bối cảnh các nỗ lực đàm phán đang diễn ra, cả hai bên vẫn chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự mùa hè trên chiến trường, nơi cuộc chiến tiêu hao đã gây ra thương vong nặng nề cho cả hai phía. Các chuyên gia nhận định Nga đang nhanh chóng bổ sung lực lượng để duy trì thế chủ động trên chiến trường. Thời gian gần đây, quân đội Nga đã đạt được những bước tiến chậm nhưng đều đặn ở một số khu vực dọc chiến tuyến dài gần 1.000 km.
Những nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn dù chỉ là tạm thời cũng không thành công. Nga bác bỏ lệnh ngừng bắn vô điều kiện 30 ngày nhưng tự tuyên bố ngừng bắn ngắn hạn nhân dịp lễ Phục sinh và Ngày Chiến thắng trong Thế chiến II. Tuy nhiên, cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm trong những giai đoạn này. Một thỏa thuận ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng kéo dài 30 ngày, do chính quyền Tổng thống Trump làm trung gian, cũng đã hết hạn sau khi cả hai bên liên tục tố cáo đối phương vi phạm.