Hoa Kỳ bị cáo buộc gửi người di cư đến Nam Sudan hỗn loạn

Từng là quốc gia được Hoa Kỳ nhiệt tình ủng hộ thành lập, giờ đây Nam Sudan lại trở thành điểm đến mà Hoa Kỳ bị cáo buộc lặng lẽ đưa người di cư tới, theo tin từ Associated Press.

Thông tin gây lo ngại này cho thấy những người di cư từ các quốc gia xa xôi như Việt Nam, Cuba và các nơi khác đang bị đưa đến một đất nước mà họ không hề có mối liên hệ nào, cách nơi họ muốn đến hàng ngàn dặm. Chẳng hạn, đại sứ quán Việt Nam gần Nam Sudan nhất nằm ở Tanzania, cách đó hơn 800 dặm.

Tình hình ở Nam Sudan hiện rất hỗn loạn và có nguy cơ lại rơi vào nội chiến. Quốc gia này gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân kể từ khi giành độc lập từ Sudan vào năm 2011. Nhiều năm xung đột đã khiến đất nước phụ thuộc nặng nề vào viện trợ, nhưng nguồn viện trợ này lại bị cắt giảm đáng kể dưới thời Chính quyền Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Một thẩm phán Hoa Kỳ đã ra lệnh yêu cầu các quan chức dưới thời Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump phải xuất hiện tại phiên điều trần khẩn cấp để giải đáp các thắc mắc liên quan đến cáo buộc này. Phía cảnh sát Nam Sudan ngày 21/5/2025 cho biết chưa có người di cư nào từ Mỹ đến, và nếu có, họ sẽ bị điều tra và trục xuất về đúng quê hương nếu không phải công dân Nam Sudan.

Quan hệ giữa hai nước cũng căng thẳng sau khi Chính quyền Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đột ngột thu hồi thị thực của tất cả công dân Nam Sudan, viện lý do chính phủ nước này không tiếp nhận công dân của mình về nước “một cách kịp thời”.

Nam Sudan vẫn đang chật vật với thỏa thuận hòa bình mong manh sau cuộc nội chiến đẫm máu năm 2013 khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Bầu cử tổng thống bị trì hoãn từ lâu, và tình hình an ninh vẫn bấp bênh. Tội phạm bạo lực, cướp xe, xả súng, tấn công, cướp bóc và bắt cóc rất phổ biến. Một số nước phương Tây đã đóng cửa đại sứ quán, trong khi Mỹ đã giảm bớt nhân viên và đưa ra cảnh báo du lịch nguy hiểm.

Ngoài xung đột, Nam Sudan còn đối mặt với thiên tai như lũ lụt gây di dời dân cư, hệ thống y tế và giáo dục thuộc hàng yếu kém nhất thế giới. Nền kinh tế dựa vào dầu mỏ nhưng tham nhũng tràn lan khiến người dân ít được hưởng lợi. Xung đột ở nước láng giềng Sudan cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu. Nhân viên công vụ thường xuyên bị chậm lương.

Với những khó khăn chồng chất, khả năng Nam Sudan xử lý việc tiếp nhận người di cư từ Mỹ một cách đột ngột là điều đáng ngờ.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú