Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth vừa tuyên bố “tự hào chấm dứt” chương trình “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh” (Women, Peace and Security – WPS) tại Lầu Năm Góc. Chương trình này vốn được cựu Tổng thống Donald Trump ký thành luật trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Ông Hegseth viết trên X: “WPS là một sáng kiến về công bằng xã hội của Biden, gây chia rẽ và làm quá tải các chỉ huy và binh sĩ của chúng ta, khiến họ xao nhãng nhiệm vụ cốt lõi: CHIẾN ĐẤU”.
Ông nói thêm: “WPS là một chương trình của Liên Hợp Quốc do các nhà nữ quyền và các nhà hoạt động cánh tả thúc đẩy. Các chính trị gia thì xu nịnh nó, còn binh lính thì GHÉT nó”.
Theo ông Hegseth, Bộ Quốc phòng sẽ tuân thủ các yêu cầu tối thiểu của chương trình theo luật định, đồng thời vận động để chấm dứt hoàn toàn chương trình này trong ngân sách tiếp theo. “CHÚC WPS YÊN NGHỈ!” – ông nói.
Động thái này gây bất ngờ, vì phần lớn chính quyền Trump trước đây đều ủng hộ các chương trình WPS. Trump đã ký Đạo luật WPS thành luật vào năm 2017 và công bố chiến lược WPS vào năm 2019.
Bà Kristi Noem, Bộ trưởng An ninh Nội địa, khi còn là Hạ nghị sĩ bang South Dakota, đã cùng với Dân biểu Jan Schakowsky (D-Ill.) soạn thảo Đạo luật “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh” năm 2017. Ngoại trưởng Marco Rubio khi còn ở Thượng viện cũng đồng bảo trợ luật này, và cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz là thành viên sáng lập của nhóm họp kín về WPS tại Quốc hội khi còn là Hạ nghị sĩ.
Ông Hegseth sau đó giải thích rằng ý của ông là chính quyền Biden đã “phá hỏng” WPS. “Chính quyền Biden yếu kém đã bóp méo và vũ khí hóa sáng kiến WPS vốn rất thẳng thắn và tập trung vào an ninh được đưa ra vào năm 2017. Vì vậy, đúng vậy, chúng tôi đang chấm dứt sáng kiến WPS của Biden”, ông nói thêm.
Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận nào về việc liệu họ có còn ủng hộ chương trình này hay không.
Chiến lược WPS thời Trump tìm cách tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong đời sống chính trị và dân sự, đảm bảo họ có đủ kỹ năng và sự hỗ trợ để thành công, cũng như được tạo điều kiện tham gia thông qua các cơ hội và nguồn lực.
Tài liệu này cũng nhấn mạnh rằng phụ nữ vẫn chưa được đại diện đầy đủ trong các nỗ lực ngăn chặn và giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình hoặc phục hồi sau xung đột. Nghiên cứu cho thấy các cuộc đàm phán hòa bình có nhiều khả năng thành công và mang lại sự ổn định lâu dài hơn khi có sự tham gia của phụ nữ.
Đạo luật “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh” bắt nguồn từ Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2000, và Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng cách tiếp cận toàn chính phủ để thực hiện chương trình nghị sự WPS vào năm 2019.
Thượng nghị sĩ Rubio cũng đã quảng bá luật này hồi đầu tháng. Ông nói: “Tổng thống Trump cũng đã ký Đạo luật “Phụ nữ, Hòa bình và An ninh”, một dự luật mà tôi rất tự hào đã đồng bảo trợ khi còn ở Thượng viện, và đây là luật toàn diện đầu tiên được thông qua ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tập trung vào việc bảo vệ phụ nữ và thúc đẩy sự tham gia của họ vào xã hội”.
Theo Fox News.