Đại học Harvard vừa đệ đơn kiện chính quyền Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, phản đối quyết định thu hồi khả năng tuyển sinh viên quốc tế của trường.
Động thái pháp lý này diễn ra sau khi Bộ An ninh Nội địa (DHS) thông báo hôm thứ Năm rằng Harvard mất quyền sử dụng Chương trình Sinh viên và Khách trao đổi (SEVP) – cho phép người nước ngoài học tập tại trường theo thị thực đặc biệt. Lý do mà chính quyền đưa ra là trường đã không tuân thủ các yêu cầu cung cấp thông tin về những người đang giữ thị thực sinh viên.
Bộ trưởng DHS Kristi Noem cáo buộc Harvard đã “từ chối tuân thủ nhiều yêu cầu cung cấp thông tin liên quan cho Bộ An ninh Nội địa trong khi vẫn duy trì môi trường trường học không an toàn, thù địch với sinh viên Do Thái, thúc đẩy sự đồng cảm với Hamas và sử dụng các chính sách ‘đa dạng, công bằng và hòa nhập’ mang tính phân biệt chủng tộc”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Harvard, ông Alan Gerber, đã bác bỏ cáo buộc này. Ông khẳng định trường đã phản hồi các yêu cầu của DHS theo đúng quy định pháp luật và gọi hành động của chính quyền là “phá hoại”.
Trong đơn kiện, Harvard tuyên bố quyết định của chính quyền “không có lý do pháp lý” và là một “cuộc tấn công trả đũa chưa từng có”. Trường cáo buộc chính quyền “coi thường trắng trợn các biện pháp bảo vệ cốt lõi của Tu chính án thứ nhất, quyền được tố tụng công bằng và các quy định của chính DHS”.
Đơn kiện nhấn mạnh hơn 7.000 sinh viên quốc tế của Harvard đang giữ thị thực F-1 và J-1 “đã trở thành con tốt trong chiến dịch trả đũa leo thang của chính quyền”.
Vụ kiện này là diễn biến mới nhất trong mối căng thẳng kéo dài giữa chính quyền Tổng Thống Trump và một trong những đại học danh tiếng nhất nước Mỹ. Trước đó, Tổng Thống Trump đã đe dọa tước bỏ tình trạng miễn thuế của trường và giữ lại hàng tỷ USD tài trợ liên bang do Harvard từ chối tuân thủ các yêu cầu liên quan đến chính sách học đường, bao gồm các biện pháp chống chủ nghĩa bài Do Thái và việc áp dụng DEI (Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập) trong khuôn viên trường.
Bộ trưởng Noem cho biết, DHS đã yêu cầu Harvard cung cấp thông tin về hoạt động bất hợp pháp “đã biết”, hoạt động bạo lực, các mối đe dọa đối với sinh viên hoặc giảng viên, các hành động kỷ luật do tham gia biểu tình, thông tin liệu sinh viên có cản trở môi trường học tập của trường hay không, và các khóa học mà sinh viên đang theo học để duy trì tình trạng thị thực.
Bà Noem khẳng định việc học tập tại các trường đại học Mỹ là một “đặc quyền, không phải là quyền”.
Theo một cuộc thăm dò của ABC News/Washington Post, đa số người Mỹ (66%) ủng hộ phía Harvard trong cuộc xung đột này, trong khi 32% đứng về phía chính quyền Tổng Thống Trump.
Đây là một câu chuyện đang diễn biến, theo ghi nhận của ABC News ngày 23/05/2025.