Điện thoại bị đánh cắp từ California đến London được vận chuyển đến Thâm Quyến, Trung Quốc để tiêu thụ hoặc rã xác lấy linh kiện.
Theo một báo cáo mới đây từ tờ Financial Times (được trang 9to5Mac trích dẫn), nhiều chiếc iPhone bị đánh cắp ở Hoa Kỳ và Châu Âu đang được tuồn về một tòa nhà duy nhất tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, nơi chúng được bán lại hoặc tháo dỡ để lấy linh kiện.
Tòa nhà Feiyang Times ở Thâm Quyến từ lâu đã nổi tiếng là trung tâm sửa chữa và nâng cấp iPhone. Tuy nhiên, tầng 4 của tòa nhà này được biết đến chuyên bán các loại iPhone cũ nhập từ Châu Âu và Mỹ. Mặc dù một phần trong số này là các thiết bị trao đổi hợp pháp, nhưng tòa nhà này còn là điểm đến của hàng ngàn chiếc điện thoại bị đánh cắp.
Nhiều nạn nhân đã sử dụng tính năng Find My của Apple để theo dõi hành trình chiếc điện thoại bị mất của mình. Chẳng hạn, một nạn nhân tên Sam Amrani đã theo dõi chiếc iPhone 15 Pro bị cướp ngay trên đường phố London. Chiếc điện thoại của ông đã trải qua hành trình dài gần 10.000 km, từ London đến một cửa hàng sửa chữa nhỏ, qua vài địa điểm khác ở Anh, sau đó xuất hiện tại Hồng Kông một tuần sau đó, rồi nhanh chóng được chuyển đến Thâm Quyến và dừng lại tại tòa nhà Feiyang Times.
Dù các điện thoại bị khóa (locked) không còn nhiều giá trị sử dụng nguyên chiếc, nhưng thị trường ở đây vẫn sẵn sàng mua lại chúng để rã xác lấy từng bộ phận. Những người bán hàng tại đây thường tuyên bố không biết rõ nguồn gốc của những chiếc điện thoại này.
Chiêu trò tống tiền qua iMessage
Đối với những chiếc iPhone bị khóa, nhiều nạn nhân cho biết họ nhận được tin nhắn qua iMessage với mục đích tống tiền để buộc họ mở khóa thiết bị. Khi một chiếc iPhone được đặt ở chế độ báo mất, chủ nhân có thể để lại số điện thoại hoặc email để người tìm được liên hệ. Lợi dụng điều này, kẻ gian sẽ gửi tin nhắn đe dọa như: “iPhone cũ của bạn đang được chúng tôi tái chế… nếu bạn không gỡ khóa, bo mạch chủ sẽ bị bán cho người khác, họ có thể hack điện thoại, lấy cắp thẻ tín dụng hoặc liên lạc với gia đình bạn…”. Đây thực chất là một trò lừa đảo trắng trợn, vì không thể lấy dữ liệu cá nhân từ một chiếc điện thoại đã bị khóa chặt bởi Apple ID.
Các biện pháp bảo mật của Apple như Find My và Activation Lock đã làm giảm đáng kể thị trường cho iPhone bị đánh cắp. Tuy nhiên, như trường hợp này cho thấy, nhu cầu vẫn tồn tại. Điều quan trọng nhất là người dùng cần cài đặt mật khẩu mạnh và kích hoạt tính năng Bảo vệ thiết bị bị đánh cắp (Stolen Device Protection) để bảo vệ dữ liệu cá nhân, vốn quý giá hơn nhiều so với chiếc iPhone, theo khuyến cáo từ nguồn tin 9to5Mac.