Theo ABC News, một học giả khoa học chính trị người Mỹ bị quân đội Thái Lan cáo buộc xúc phạm chế độ quân chủ nước này, hành vi có thể bị phạt tới 15 năm tù, đã bị tạm giam chờ xét xử vào thứ Ba vừa qua.
Ông Paul Chambers, giảng viên tại Đại học Naresuan ở tỉnh Phitsanulok phía bắc Thái Lan, tuần trước đã bị cảnh sát triệu tập để nghe cáo buộc, bao gồm vi phạm Đạo luật Tội phạm Máy tính liên quan đến hoạt động trực tuyến.
Ông Chambers là chuyên gia nghiên cứu về quyền lực và ảnh hưởng của quân đội Thái Lan. Quân đội đóng vai trò quan trọng trong chính trị nước này và đã thực hiện 13 cuộc đảo chính thành công kể từ khi Thái Lan trở thành quân chủ lập hiến vào năm 1932, gần đây nhất là cách đây 11 năm.
Tổ chức Luật sư Nhân quyền Thái Lan cho biết, ông Chambers đã trình diện cảnh sát vào thứ Ba để chính thức thừa nhận cáo buộc, sau đó được đưa đến Tòa án tỉnh Phitsanulok để xét xử tạm giam. Tòa án đã chấp thuận yêu cầu tạm giam của cảnh sát và từ chối đơn xin bảo lãnh ban đầu của ông Chambers, cũng như yêu cầu thứ hai sau đó. Tổ chức hỗ trợ pháp lý này cho biết sẽ nộp đơn xin bảo lãnh khác lên tòa phúc thẩm vào thứ Tư. Hiện chưa có ngày xét xử nào được ấn định.
Việc tòa án Thái Lan từ chối bảo lãnh tại ngoại trong các vụ án liên quan đến tội xúc phạm chế độ quân chủ (hay còn gọi là khi quân, được biết đến phổ biến là Điều 112 theo số điều trong bộ luật hình sự) là điều không bất thường ở nước này.
Dự án tự do học thuật Scholars at Risk (có trụ sở tại Mỹ) cho biết trong một tuyên bố rằng, cuối năm 2024, ông Chambers đã bình luận trong một hội thảo trực tuyến về việc tái cấu trúc quân đội. Đây được cho là nguyên nhân dẫn đến đơn khiếu nại từ Quân khu 3 của Thái Lan, khu vực bao gồm miền bắc nước này.
Tuyên bố của tổ chức này nhấn mạnh: “Các cơ quan nhà nước nên kiềm chế các cuộc điều tra hình sự và hành động pháp lý cưỡng chế khác nhằm hạn chế hoặc trả đũa hành vi như vậy.”
Luật khi quân quy định mức án từ 3 đến 15 năm tù cho bất kỳ ai phỉ báng, xúc phạm hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người thừa kế ngai vàng hoặc nhiếp chính. Các nhà phê bình cho rằng đây là một trong những luật hà khắc nhất trên thế giới và đã bị lạm dụng để trừng phạt những người chỉ trích chính phủ và các thể chế như quân đội.
Chế độ quân chủ từ lâu đã được coi là trụ cột của xã hội Thái Lan và việc chỉ trích nó từng là điều cấm kỵ. Những người Thái bảo thủ, đặc biệt là trong quân đội và tòa án, vẫn coi thể chế này là bất khả xâm phạm.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận công khai về chủ đề này đã ngày càng gay gắt hơn trong thập kỷ qua, đặc biệt là trong giới trẻ. Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo bắt đầu từ năm 2020 đã công khai chỉ trích thể chế này, dẫn đến việc truy tố mạnh mẽ theo luật khi quân vốn trước đây ít được sử dụng.
Tổ chức Luật sư Nhân quyền Thái Lan cho biết, từ đầu năm 2020, hơn 270 người – nhiều người trong số đó là các nhà hoạt động sinh viên – đã bị buộc tội vi phạm luật khi quân.