Giá các món ăn nhanh tại Hoa Kỳ đang tăng vọt, khiến chúng ngày càng trở nên đắt đỏ và khó tiếp cận đối với nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và trung bình.
Theo báo cáo mới nhất từ Lending Tree, một bữa ăn nhanh thông thường trên khắp các thành phố lớn của Mỹ hiện có giá trung bình là 11,56 USD. Lạm phát đã đẩy giá thực phẩm lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng.
San Francisco được ghi nhận là thành phố có giá thức ăn nhanh đắt nhất, với một bữa ăn trung bình khoảng 13,88 USD. Ngay cả ở Columbus, Ohio, nơi giá được cho là rẻ nhất, người dân vẫn phải chi trả mức giá hai chữ số cho một bữa ăn.
Dù các chuỗi cửa hàng như McDonald’s hay Wendy’s có tung ra các combo hay “menu giá trị”, giá thức ăn nhanh vẫn tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Một báo cáo năm 2024 của FinanceBuzz cho thấy, trong thập kỷ qua, giá thực phẩm tại các chuỗi này đã tăng từ 39% đến 100%.
Đáng chú ý, báo cáo của FinanceBuzz cũng chỉ ra rằng các nhà hàng đã tăng giá nhanh gấp đôi tỷ lệ lạm phát thực tế. Ví dụ, món McDouble của McDonald’s, từng có giá chỉ 1,19 USD vào năm 2014, nay được bán với giá 3,19 USD vào năm 2024 – mức tăng 168% chỉ trong 10 năm.
Giá cả leo thang tạo ra một khoảng cách lớn giữa tiền lương của nhân viên làm việc tại các cửa hàng thức ăn nhanh và giá các món ăn họ phục vụ. Theo Lending Tree, một nhân viên thức ăn nhanh với mức lương trung bình 15,07 USD/giờ phải làm việc gần gấp đôi thời gian (46 phút) so với người lao động có mức lương trung bình chung (21,2 phút) để mua được một bữa ăn tiêu chuẩn.
Nếu một nhân viên thức ăn nhanh quyết định ăn cả ba bữa mỗi ngày tại nơi làm việc, họ sẽ tiêu tốn tới 40,3% tiền lương vào chi phí ăn uống. Trong khi đó, người Mỹ có mức lương trung bình chỉ chi khoảng 18,7% tiền lương cho các bữa ăn nhanh.
Nhiều người tiêu dùng cũng bắt đầu thay đổi quan điểm về thức ăn nhanh. Theo một báo cáo khác của Lending Tree, gần 80% người Mỹ hiện coi thức ăn nhanh là một “xa xỉ phẩm”.
Tình trạng này đã ảnh hưởng đến doanh số của các chuỗi lớn. Cụ thể, trong quý đầu năm 2025, McDonald’s ghi nhận doanh số bán hàng tại cửa hàng sụt giảm 3,6%, mức giảm lớn nhất tại Mỹ kể từ đại dịch COVID-19, theo tin từ Associated Press.
Ông Chris Kempczinski, Chủ tịch và CEO của McDonald’s, giải thích rằng sự sụt giảm này là do người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình đang cắt giảm chi tiêu cho thức ăn nhanh. Lượng khách hàng có thu nhập dưới 45.000 USD/năm và cả nhóm thu nhập trung bình đã giảm mạnh, chỉ có nhóm có thu nhập từ 100.000 USD trở lên là vẫn ổn định.
Như nhận định của Matt Schulz, chuyên gia phân tích tài chính tiêu dùng tại Lending Tree, “Không ai mong giàu có từ lương thức ăn nhanh, nhưng việc những công nhân này thậm chí không thể trông đợi vào một mức lương đủ sống là điều đáng lo ngại. Đáng buồn là tình hình khó có thể cải thiện sớm.”