Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật sâu rộng về chính sách đối nội được Tổng thống Donald Trump gọi là “lớn và đẹp”, dự luật này hiện đang di chuyển sang Thượng viện và đối mặt với nhiều thử thách.
Tuy nhiên, theo phân tích từ NBC News, lịch sử chính trị Mỹ cho thấy các đời tổng thống thường có khả năng đưa những ưu tiên lập pháp hàng đầu của mình thành luật, ngay cả khi các mục tiêu khác bị bỏ lại. Điều này đặc biệt đúng khi đảng của tổng thống kiểm soát cả hai viện Quốc hội, giống như tình hình hiện tại với đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump.
Dự luật này được thông qua tại Hạ viện chỉ với cách biệt một phiếu và thuộc loại dự luật điều chỉnh ngân sách (budget reconciliation). Điều này có nghĩa là tại Thượng viện, nó chỉ cần đa số phiếu đơn giản để được thông qua, thay vì 60 phiếu như các đạo luật thông thường.
Việc Tổng thống Trump gộp nhiều đề xuất lớn về thuế, di trú và các vấn đề khác vào một dự luật duy nhất được xem là một bước đi chiến lược. Áp lực chính trị đối với các nghị sĩ Cộng hòa là rất lớn. Rất ít người sẵn sàng đối đầu với Tổng thống Trump và làm phật lòng cử tri trung thành của ông, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.
Lịch sử đã chứng kiến nhiều tổng thống đạt được những thành tựu lập pháp quan trọng dưới sự kiểm soát của đảng mình: Tổng thống Bill Clinton với gói phục hồi kinh tế năm 1993, Tổng thống George W. Bush với cắt giảm thuế lớn năm 2001, Tổng thống Barack Obama với luật kích thích kinh tế năm 2009 và Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) năm 2010. Tổng thống Trump cũng từng thông qua luật cải cách thuế lớn trong nhiệm kỳ đầu.
Mặc dù vậy, dự luật này vẫn đối mặt với sự phản đối từ một số thượng nghị sĩ Cộng hòa về các vấn đề như tác động đến thâm hụt ngân sách, cắt giảm Medicaid, các điều khoản liên quan đến năng lượng sạch và giới hạn khấu trừ thuế tiểu bang/địa phương (SALT).
Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhìn nhận dự luật này sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua giành quyền kiểm soát Hạ viện sắp tới. Đảng Dân chủ sẽ dùng nó để công kích phe Cộng hòa, trong khi phe Cộng hòa hy vọng nó sẽ thúc đẩy cử tri trung thành và mang lại thành tích cho các ứng viên.
Chỉ có hai dân biểu Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu chống, bày tỏ lo ngại về thâm hụt. Một trong số họ là Dân biểu Thomas Massie, người từng nhiều lần có quan điểm trái ngược với Tổng thống Trump nhưng vẫn giữ được vị trí.
Thượng viện sẽ cần đàm phán để giải quyết các bất đồng. Nếu có bất kỳ thay đổi nào được thực hiện, dự luật sẽ phải quay lại Hạ viện để phê chuẩn lần cuối. Đảng Cộng hòa hy vọng có thể hoàn tất và đưa dự luật này đến bàn Tổng thống Trump ký ban hành trước ngày 4 tháng 7 tới, theo thông tin từ NBC News.