Một vụ hỏa hoạn lớn hồi tháng 4 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tòa nhà lịch sử ở thủ đô Paramaribo của Suriname. Vụ cháy này cũng là lời nhắc nhở về sự mong manh của kho tài liệu lịch sử quý giá tại Giáo đường Do Thái Neveh Shalom gần đó.
Trong lúc lính cứu hỏa đang nỗ lực dập lửa để cứu khu trung tâm lịch sử được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, các tình nguyện viên tại giáo đường cũng gấp rút quét (scan) hàng nghìn tài liệu lưu trữ. Mục tiêu là bảo tồn lịch sử của hàng nghìn người Do Thái đã sống ở thủ đô Suriname từ những năm 1700.
May mắn là ngọn lửa đã được khống chế trước khi lan đến giáo đường. Tuy nhiên, kho tài liệu gồm 100.000 trang giấy, được lưu trữ trong tủ hồ sơ hàng thập kỷ, vẫn đối mặt với nhiều mối đe dọa khác như khí hậu nhiệt đới, côn trùng và thời gian. Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của dự án bảo tồn đang được triển khai.
Dự án số hóa các tài liệu như giấy khai sinh, giấy bán đất và thư từ này do học giả người Hà Lan Rosa de Jong giám sát. Cô từng sử dụng kho lưu trữ này cho nghiên cứu tiến sĩ về cách người Do Thái tị nạn Thế chiến II đã chạy trốn đến vùng Caribe, bao gồm cả quốc gia nhỏ bé Suriname ở Nam Mỹ.
Chia sẻ với hãng tin AP, De Jong cho biết: “Tôi cảm thấy công việc của mình đi kèm với nghĩa vụ phải bảo tồn quá khứ mà tôi đang xây dựng sự nghiệp dựa trên đó.”
Sau khi hoàn thành nghiên cứu tại Đại học Amsterdam năm ngoái, De Jong đã tìm cách quay trở lại Suriname để bảo vệ những hồ sơ quan trọng cho công việc của mình. Cô gây quỹ để mua máy ảnh, ổ cứng và chi phí đi lại, sau đó trở lại Suriname để thực hiện việc quét chất lượng cao hàng trăm tập tài liệu.
Kết quả là hơn 600 gigabyte dữ liệu được lưu trữ trên nhiều ổ cứng. Một bản sao sẽ được tặng cho Kho Lưu trữ Quốc gia Suriname để bổ sung vào bộ sưu tập kỹ thuật số của họ.
Các tài liệu lưu trữ cho thấy Suriname từng là một trung tâm quan trọng của đời sống Do Thái ở châu Mỹ. Người Anh, khi chiếm đóng vùng này, đã trao quyền tự trị chính trị và tôn giáo cho người Do Thái khi họ lần đầu đến Suriname vào năm 1639 để quản lý các đồn điền thuốc lá và mía đường. Khi người Hà Lan kiểm soát thuộc địa, họ tiếp tục chính sách này. Vì vậy, khi người Do Thái bị buộc rời khỏi những nơi khác ở châu Mỹ, họ thường chạy trốn đến Suriname.
Vào đêm Giáng sinh năm 1942, hơn 100 người tị nạn Do Thái Hà Lan, chạy trốn khỏi thảm họa Holocaust, đã đến Paramaribo. Bà Liny Pajgin Yollick, khi đó 18 tuổi, là một trong số họ. Trong một dự án lịch sử truyền miệng cho Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ, bà mô tả cảm giác nhẹ nhõm khi đến Suriname và nghe thấy một bài hát quen thuộc.
Bà kể: “Tôi nhớ lúc đó là buổi sáng và họ đã chơi Quốc ca Hà Lan cho chúng tôi khi chúng tôi đến, và mọi người đều khóc. Chúng tôi rất xúc động khi nghe bài hát đó vì nhiều người trong chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ được nghe lại nó.”
Một nhân vật chủ chốt trong dự án bảo tồn của De Jong là bà Lilly Duijm, 78 tuổi, người đã phụ trách kho lưu trữ tài liệu trong hơn hai thập kỷ. Sinh ra ở Suriname, bà chuyển đến Hà Lan năm 14 tuổi và trở thành y tá, nhưng đã trở về quê hương năm 1973, ngay trước khi Suriname giành độc lập. Bốn người con của bà lớn lên ở Paramaribo.
Hơn ai hết, bà hiểu rõ kho lưu trữ này quý giá đến mức nào. Bà nghẹn ngào nói với AP: “Tôi đã nói với cộng đồng, chừng nào kho lưu trữ còn ở đây, tôi sẽ chưa chết. Dù tôi sống đến 200 tuổi đi chăng nữa. Đây là nơi lưu giữ lịch sử của dân tộc tôi.”
Theo tin từ AP.