DOJ thời Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump Yêu Cầu Chấm Dứt Thỏa Thuận Flores Về Giữ Trẻ Em Di Dân

Bộ Tư pháp (DOJ) dưới thời Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa đệ đơn yêu cầu tòa án liên bang ở Los Angeles chấm dứt “Thỏa thuận Đồng thuận Flores” (Flores Consent Decree), quy định việc giam giữ và trả tự do cho trẻ em di dân không có người đi kèm tại Mỹ.

Tổng Chưởng lý Pam Bondi cho rằng thỏa thuận Flores, được áp dụng từ năm 1997, đã trở nên lỗi thời và đang tạo động lực cho làn sóng di dân bất hợp pháp tại biên giới phía Nam. Bà Pam Bondi khẳng định thỏa thuận này là một rào cản không thể chấp nhận được đối với chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” về di dân của Tổng Thống Trump.

DOJ lập luận rằng Quốc hội và các cơ quan liên bang đã có những giải pháp cho các vấn đề mà Flores ban đầu nhằm giải quyết. Do đó, thỏa thuận này không còn cần thiết và đang hạn chế khả năng của chính quyền liên bang trong việc phản ứng linh hoạt với tình hình di dân đang thay đổi.

Đơn kiến nghị của DOJ và được Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cùng Bộ An ninh Nội địa (DHS) đồng thuận, mong muốn quyền quyết định chính sách nằm trong tay các quan chức dân cử tại Washington thay vì một thẩm phán liên bang duy nhất ở California.

Vụ việc sẽ được đưa ra điều trần vào ngày 18 tháng 7 trước Thẩm phán Dolly Gee tại Los Angeles. Thẩm phán Gee đã chủ trì vụ kiện này trong nhiều năm và Fox News nhận định khả năng bà đồng ý chấm dứt thỏa thuận là không cao, có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài tại tòa phúc thẩm liên bang và cuối cùng là Tối cao Pháp viện.

Trong hồ sơ đệ trình, DOJ nhấn mạnh rằng sau gần 30 năm được kiểm soát bởi tòa án, đã có những thay đổi to lớn về hoàn cảnh, bao gồm lượng người vượt biên tăng đột biến, sự thay đổi về nhân khẩu học của người di dân (nhiều người từ ngoài Tây bán cầu hơn, số lượng trẻ em cao hơn) và ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu. DOJ cho rằng thỏa thuận Flores đã “đóng băng” chính sách di dân liên bang, ngăn cản cơ quan hành pháp phản ứng hiệu quả trước những thay đổi này. Các chính quyền tiền nhiệm cũng đã nhiều lần tìm cách thoát khỏi ràng buộc của thỏa thuận này nhưng chưa thành công.

Theo tin từ Fox News ngày 23/05/2025.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú