Doanh số bán lẻ tại Mỹ chậm lại trong tháng 4 sau đợt chi tiêu mạnh vì lo ngại thuế quan

Người tiêu dùng Mỹ đã chi tiêu ít hơn đáng kể tại các cửa hàng bán lẻ vào tháng trước, sau khi đẩy mạnh mua sắm vào tháng 3 để đón đầu những chính sách thuế quan.

Cụ thể, doanh số bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng chỉ tăng nhẹ 0.1% trong tháng 4 so với tháng 3, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 1.7% của tháng trước đó. Đợt tăng mạnh trong tháng 3 được cho là nhờ sự bùng nổ doanh số bán ô tô, khi người tiêu dùng muốn mua xe trước khi thuế 25% do Tổng Thống Trump áp đặt lên xe nhập khẩu có hiệu lực.

Sự tăng trưởng nhỏ bé trong tháng 4, sau đợt tăng vọt tháng 3, khiến việc đánh giá xu hướng chi tiêu tiêu dùng trở nên khó khăn hơn. Điều này phản ánh sự bất ổn và hỗn loạn liên tục trong nền kinh tế do các chính sách thuế quan “lúc dừng lúc chạy” của Tổng Thống Trump. Nhiều công ty niêm yết thậm chí đã phải rút lại hoặc trì hoãn việc dự báo doanh thu và lợi nhuận vì bối cảnh kinh tế quá khó lường.

Mặc dù tâm lý người tiêu dùng ngày càng bi quan về triển vọng kinh tế, vẫn chưa rõ liệu điều này có dẫn đến giảm chi tiêu và tăng trưởng kinh tế chậm lại hay không.

Trong tháng 4 vừa qua, doanh số bán hàng tại nhiều cửa hàng bán lẻ đi ngang hoặc sụt giảm. Doanh số tại các cửa hàng đồ thể thao giảm mạnh 2.5% sau khi giá tăng vọt. Quần áo giảm 0.4%, cửa hàng y tế và chăm sóc cá nhân giảm nhẹ 0.2%, và các đại lý ô tô giảm 0.1%. Doanh số trạm xăng cũng giảm 0.5% dù giá xăng giảm nhẹ.

Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cho thấy một bộ phận người Mỹ vẫn sẵn sàng chi tiêu. Doanh số tại các nhà hàng và quán bar tăng mạnh 1.2%, cho thấy nhiều người vẫn sẵn sàng chi cho các khoản chi tiêu tùy ý. Đặc biệt, doanh số tại các trung tâm đồ gia dụng và sân vườn tăng 0.8%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2022, cho thấy xu hướng sửa sang nhà cửa tăng lên khi lãi suất thế chấp cao khiến việc mua nhà mới trở nên khó khăn hơn.

Việc Tổng Thống Trump áp đặt thuế quan cao chót vót lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng trước đã gây lo ngại về suy thoái kinh tế, lạm phát cao hơn, và thậm chí là nguy cơ kệ hàng trống trơn vào dịp lễ cuối năm. Nhưng sau đó, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận giảm mạnh thuế vào đầu tuần này, phần nào xoa dịu những lo ngại đó.

Các nhà bán lẻ vẫn đối mặt với nhiều bất định về thuế quan và phản ứng của người mua sắm trước giá cả leo thang sau nhiều năm chi phí tăng mạnh.

Tin từ ABC News ngày 15/05/2025 cho biết, dù lạm phát đã hạ nhiệt tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 4, các nhà kinh tế và nhiều chủ doanh nghiệp dự đoán lạm phát sẽ tăng trở lại vào mùa hè này. Các mức thuế nhập khẩu áp lên hàng Trung Quốc từng lên tới 145% giờ được giảm xuống 30% trong 90 ngày tới, trong khi thuế trả đũa của Trung Quốc cũng giảm từ 125% xuống 10%.

Cũng trong tuần này, Walmart báo cáo doanh số tăng trưởng tốt trong quý kết thúc ngày 30/4, nhờ khách hàng mua sắm nhiều hơn các mặt hàng tạp hóa, đồ chơi, phụ tùng ô tô và quần áo trẻ em. Tuy nhiên, lợi nhuận lại sụt giảm và CEO Doug McMillon cho biết công ty sẽ sớm tăng giá để bù đắp ảnh hưởng từ thuế quan.

Trước đó, nhiều nhà bán lẻ và nhập khẩu đã ngừng vận chuyển giày dép, quần áo, đồ chơi và các mặt hàng khác khi thuế quá cao, làm dấy lên lo lắng về kệ hàng trống trong mùa tựu trường và mùa lễ quan trọng. Nhưng giờ đây, nhiều người đang vội vã nối lại việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc trong khi cuộc chiến thương mại tạm lắng.

Dù cảm thấy nhẹ nhõm với việc giảm thuế, các nhà bán lẻ và nhà cung cấp vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là chi phí vận chuyển tăng cao do sự cạnh tranh để có chỗ trên các container hàng hóa.

Một ví dụ là Elenor Mak, cư dân San Francisco, chủ công ty Jilly Bing sản xuất búp bê mang đậm nét châu Á tại Trung Quốc. Cô cảm thấy đỡ lo hơn vì giờ có một con đường rõ ràng hơn để tiếp tục kinh doanh, nhưng thách thức vẫn còn nhiều. Cô đang làm việc với các nhà máy để xem liệu búp bê có thể sản xuất kịp cho dịp lễ cuối năm hay không, nhưng lo sợ sẽ bị xếp sau vì là doanh nghiệp nhỏ. Cô cũng không chắc chắn về cách định giá sản phẩm và chuẩn bị tinh thần cho việc chi phí tăng trên mọi phương diện, từ phí kiểm định bên thứ ba đến phí vận chuyển. Trước chiến tranh thuế quan, búp bê của cô có giá bán trung bình là 68 USD. Giờ đây, cô lo lắng về việc truyền tải thông điệp gây khó hiểu cho người mua sắm: “Làm sao giải thích: ‘Chúng tôi đã định không nhập hàng nữa – nhưng giờ có thể sẽ nhập – và giá có thể tăng 30%?’” Cô nói thêm: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để lên kế hoạch, nhưng vẫn phải đối mặt với rất nhiều điều chưa biết.”


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú