Doanh nghiệp Trung Quốc thận trọng, bất an về việc tạm dừng thuế quan

Trong khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố chiến thắng sau thỏa thuận đạt được cuối tuần qua với Trung Quốc nhằm giảm bớt mức thuế quan đang leo thang giữa hai bên, thì các doanh nghiệp ở Trung Quốc lại phản ứng với sự thận trọng và thái độ chờ đợi.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã cắt giảm mức thuế áp lên hàng hóa của nhau. Cụ thể, Hoa Kỳ giảm thuế suất từ 145% xuống 30%, còn Trung Quốc giảm từ 125% xuống 10%. Các mức thuế mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày Thứ Tư vừa qua.

Thỏa thuận tạm thời này đã khiến thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ, trở lại mức trước khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump áp thuế. Tuy nhiên, giới chủ doanh nghiệp tại Trung Quốc vẫn tỏ ra lo ngại.

Một số doanh nghiệp, như nhà máy sản xuất dụng cụ nhà bếp ở tỉnh Quảng Đông, đã nhanh chóng đưa các đơn hàng từ khách hàng Mỹ trở lại sản xuất ngay sau khi có thông báo tạm dừng thuế quan. Bà Margaret Zhuang, nhân viên bán hàng của nhà máy này, chia sẻ bà “khá bất ngờ” vì mức giảm thuế lại nhiều như vậy. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng thiệt hại do các mức thuế trước đây đã gây ra rồi, bằng chứng là số lượng đơn hàng đã giảm đáng kể so với trước chiến tranh thương mại.

Sự bất ổn cũng khiến các công ty ngần ngại đầu tư mới. Ông Kelvin Liao, giám đốc bán hàng của một nhà sản xuất phụ tùng ô tô sợi carbon ở Đông Hoản, cho biết ông đã hủy kế hoạch mua đất xây nhà máy mới mà thay vào đó là thuê, chỉ vì tình hình thuế quan.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc ký kết thỏa thuận thương mại chỉ là một sự tạm dừng, và mục tiêu cuối cùng của Mỹ vẫn là kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Ông Liao thẳng thắn nói: “Người ta đã mất niềm tin vào Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, và chúng tôi sẽ giữ thái độ chờ xem.”

Đáng chú ý, không phải tất cả các ngành hàng đều được hưởng lợi từ thỏa thuận này. Một số ngành vẫn phải đối mặt với mức thuế cao từ những đợt áp thuế trước đó.

Trước đây, một số doanh nghiệp Trung Quốc từng tuyên bố sẽ chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác hoặc thậm chí di chuyển một phần sản xuất ra nước ngoài để né thuế. Một số đã có nhà máy ở các nước như Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, họ vẫn khẳng định không từ bỏ thị trường Mỹ, vì tin rằng Mỹ không thể sản xuất các sản phẩm tương tự với chi phí thấp hơn.

Theo tin từ ABC News ngày 14/05/2025, tình hình thương mại Mỹ-Trung vẫn còn nhiều điều khó lường, khiến giới kinh doanh tại Trung Quốc vừa mừng vừa lo.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú