Một cụ bà 74 tuổi ở Anh đã bị bắt giữ vì đứng bên ngoài một phòng khám phá thai với tấm biển kêu gọi đối thoại. Vụ việc gây xôn xao dư luận và làm dấy lên lo ngại về việc các khu vực “đệm” xung quanh các phòng khám này đang dần siết chặt quyền tự do ngôn luận.
Cụ Rose Docherty, 74 tuổi, bị cảnh sát bắt ở Glasgow, Scotland hồi tháng 2 vừa qua. Tấm biển cụ cầm chỉ đơn giản ghi: “Ép buộc là tội ác, ở đây để nói chuyện nếu bạn muốn”.
Việc bắt giữ này được thực hiện theo Đạo luật Dịch vụ Phá thai (Khu Vực Tiếp Cận An Toàn) có hiệu lực từ tháng 9. Đạo luật này cấm mọi hình thức biểu tình hoặc canh thức trong vòng 200 mét (khoảng 656 feet) quanh 30 phòng khám phá thai tại Scotland. Đáng chú ý, luật còn cho phép mở rộng khu vực “đệm” này nếu thấy cần thiết.
Cụ Docherty là người đầu tiên bị bắt và buộc tội theo đạo luật mới này. Cụ đã từ chối cảnh báo chính thức từ văn phòng Công tố, cho rằng điều đó là “phi lý” và đang chờ xem hành động tiếp theo sẽ ra sao. Cụ khẳng định không hối tiếc về vụ việc, mô tả trải nghiệm bị bắt là “đáng báo động” và “không thật”.
Cụ tin rằng hành động của mình không vi phạm luật, vì cụ chỉ đơn giản đề nghị lắng nghe nếu ai đó muốn nói chuyện. Cụ Docherty cũng sẵn sàng vào tù vì hành động này, bởi theo cụ, chính phủ về cơ bản muốn dập tắt mọi ý kiến phản đối phá thai.
Trước đó, một trường hợp tương tự là nhà hoạt động ủng hộ sự sống Isabel Vaughan-Spruce cũng từng bị bắt hai lần ở Birmingham, Anh, chỉ vì cầu nguyện trong im lặng gần một phòng khám phá thai, trong khu vực “đệm” được thiết lập theo luật địa phương. Sau đó, bà đã được bồi thường 13.000 USD vì bị bắt giữ trái phép.
Những vụ việc này đang thu hút sự chú ý trên phạm vi quốc tế, làm dấy lên câu hỏi về ranh giới giữa việc đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ y tế và bảo vệ quyền tự do biểu đạt. Theo Fox News đưa tin ngày 17/05/2025, cụ Docherty hy vọng câu chuyện của mình sẽ là lời cảnh báo về việc các khu vực “đệm” này đang mở rộng và ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận.