“Bữa ăn yêu thương” giá rẻ giúp đội quân shipper Trung Quốc mưu sinh

Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, sau giờ cao điểm giao hàng bữa trưa, đến lượt đội quân tài xế công nghệ tìm chỗ ăn. Giữa guồng quay hối hả của công việc, nhiều người chọn giải pháp tiết kiệm chi phí bằng những bữa ăn giảm giá đặc biệt.

Đây là một phần của phong trào được gọi là “aixincan” (bữa ăn yêu thương), nơi các nhà hàng cung cấp suất ăn miễn phí hoặc giảm giá sâu cho những người cần, không cần hỏi han gì nhiều. Đối tượng chính là lực lượng lao động nhập cư, những người rời quê lên thành phố mưu sinh, trong đó có rất đông tài xế giao đồ ăn.

Anh Liu Lijie, 40 tuổi, một tài xế giao hàng ở Bắc Kinh, chia sẻ rằng cuộc sống ở thành phố đầy áp lực, nên những bữa “aixincan” vừa kinh tế lại vừa thiết thực. Anh thường ghé một nhà hàng để ăn món mì cừu với giá chỉ 12 tệ (khoảng 1.65 USD), rẻ hơn giá gốc tới 6 tệ. Anh ăn vội vàng ngay tại quán, thậm chí còn chưa kịp tháo mũ bảo hiểm có logo của ứng dụng giao hàng Ele.me để nhanh chóng quay lại làm việc.

Phong trào này, còn được gọi là “suixincan” (bữa ăn tùy tâm), đã xuất hiện từ đầu những năm 2000 và được truyền thông nhà nước cũng như mạng xã hội Trung Quốc đưa tin rộng rãi. Nhiều người nổi tiếng còn đóng vai khách hàng khó khăn để lan tỏa câu chuyện về lòng tốt của các nhà hàng.

Anh Luo Shuai, 27 tuổi, tài xế của Meituan (dịch vụ giao hàng lớn nhất Trung Quốc), biết đến chương trình giảm giá của chuỗi nhà hàng Yushiji qua đồng nghiệp và giờ đây là khách quen hàng ngày. Anh nói rằng đồ ăn ở đây gợi nhớ về quê nhà Hà Nam.

Theo tin từ AP, Trung Quốc hiện có gần 300 triệu lao động nhập cư, và ngày càng nhiều người chọn làm việc tự do như giao hàng thay vì vào nhà máy. Dữ liệu chính phủ cho thấy có hơn 200 triệu người đang làm việc trong nền kinh tế gig. Thu nhập trung bình của tài xế toàn thời gian trên Meituan có thể đạt hơn 1,500 USD/tháng, nhưng chỉ 11% là làm toàn thời gian. Tài xế bán thời gian ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải có thu nhập trung bình khoảng 1,000 USD/tháng vào năm 2024.

Sự xuất hiện của những bữa ăn giảm giá phản ánh sự thay đổi trong cảnh quan đô thị Trung Quốc. Trước đây, lao động nhập cư có thể dựa vào mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau trong các “làng đô thị” (khu dân cư tự phát dành cho người nhập cư) và các quán ăn vỉa hè giá rẻ. Tuy nhiên, theo ông Xiang Biao, Viện trưởng Viện Nhân chủng học Xã hội Max Planck ở Đức, những mạng lưới này đang dần biến mất do các chiến dịch dọn dẹp đô thị vì lý do vệ sinh và an toàn. Điều này khiến người lao động phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xa lạ.

Ông Feng Yong, 43 tuổi, quản lý nhà hàng “Doornail Meat Pie” ở Bắc Kinh, cho biết nhà hàng của ông bắt đầu phục vụ “aixincan” để giúp đỡ những người khó khăn và truyền cảm hứng cho người khác. Là người gốc Sơn Đông chuyển đến Bắc Kinh hơn 20 năm trước, ông hiểu rõ cảm giác của một người xa xứ vật lộn ở thành phố mới.

Ông nhấn mạnh điều quan trọng là làm sao để khách hàng cần giúp đỡ không cảm thấy xấu hổ. Nhân viên luôn cố gắng hỗ trợ và không hỏi về hoàn cảnh của khách. “Chúng tôi không từ chối bất cứ điều gì, miễn là họ được no bụng,” ông Feng nói.


TIN LIÊN QUAN


XEM NHIỀU


Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú