Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Donald Trump vừa thông báo kế hoạch chấm dứt các thỏa thuận cải cách cảnh sát, được gọi là “consent decrees”, với hai thành phố là Louisville (Kentucky) và Minneapolis (Minnesota).
Các thỏa thuận ràng buộc pháp lý này được thiết lập sau khi Bộ Tư Pháp thời chính quyền trước tiến hành các cuộc điều tra sâu rộng tại hai thành phố này, xuất phát từ vụ cảnh sát giết hại Breonna Taylor vào năm 2020 tại Louisville và George Floyd cùng năm tại Minneapolis. Mục tiêu của các thỏa thuận là nhằm giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống về hành vi cảnh sát vi hiến và vi phạm quyền dân sự mà Bộ Tư Pháp đã phát hiện.
Dù đã được đệ trình lên tòa án liên bang, quá trình phê duyệt và triển khai các thỏa thuận này đã gặp phải một số chậm trễ.
Theo tin từ ABC News hồi tháng 2, các quan chức tại cả Minneapolis và Louisville đều khẳng định thành phố của họ vẫn cam kết thực hiện các cải cách đã được nêu trong thỏa thuận, bất kể sự hỗ trợ từ chính quyền liên bang có thay đổi hay không. Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey cho biết thành phố sẽ tiếp tục tiến hành các điều khoản đã thống nhất, “dù có hoặc không có sự ủng hộ từ Tòa Bạch Ốc”.
Giải thích cho động thái mới nhất, một quan chức cấp cao của Bộ Tư Pháp cho rằng các thỏa thuận cải cách cảnh sát mang tính “quá rộng” đã tước đi quyền kiểm soát địa phương đối với lực lượng cảnh sát và trao cho “các quan chức không được bầu cử, thường mang chương trình nghị sự chống cảnh sát”.
Cùng với việc chấm dứt các thỏa thuận với Louisville và Minneapolis, Bộ Tư Pháp cũng có kế hoạch đóng các cuộc điều tra nhằm vào sở cảnh sát ở nhiều thành phố khác, bao gồm Phoenix, Trenton (New Jersey), Memphis (Tennessee), Mount Vernon (New York), Oklahoma City, và Cảnh sát Tiểu bang Louisiana. Bộ này cũng dự kiến “rút lại” các kết luận được đưa ra trong thời gian chính quyền trước đối với các sở cảnh sát bị cáo buộc có hành vi sai phạm trên diện rộng.